Tài liệu này được cho là khó có thể thỏa mãn bất kỳ nước nào và có thể sẽ dấy lên một cuộc tranh luận giữa các quốc gia thành viên nghèo và giàu vào ngày 20/2.
Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đề xuất rằng các chính phủ sẽ đóng góp 1,095 nghìn tỷ euro (1,2 nghìn tỷ USD) cho ngân sách chung trong giai đoạn từ 2021 - 2027, tương ứng với 1,074% sản lượng kinh tế hàng năm của khối. Ông Michel sẽ chủ trì một cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU vào thứ Năm tuần tới và vấn đề này có thể còn cần nhiều thời gian hơn.
Ngân sách này là nền tảng trong chính sách của EU cho phép nông dân cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển, giúp các nước nghèo bắt kịp với những người giàu và củng cố các dự án gắn kết liên minh với nhau. Nhưng sự nhất trí về lượng tiền mặt và cách chi tiêu là một vấn đề căng thẳng thường xuyên giữa những người đóng góp ròng và những người nhận được nhiều hơn số tiền họ bỏ vào.
Chỉ vài phút sau khi thỏa hiệp này được lưu hành tại Brussels, các nhà ngoại giao của cả hai nhóm nói rằng họ không hài lòng về điều đó và nói rằng một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới là không thể đạt được vì vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa lập trường các bên lại gần nhau hơn.
Trước đó vào thứ Sáu, tạp chí Spiegel đưa tin rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ sẵn sàng tăng mức đóng góp của nước này cho ngân sách EU lên hơn 1% GDP nếu các quốc gia thành viên khác đồng ý với những ưu tiên tài chính mới. Bà Merkel muốn EU chi ít tiền hơn cho nông nghiệp và thay vào đó đầu tư vào các dự án có lợi cho tất cả các nước, tạp chí này cho biết mà không trích dẫn nguồn thông tin.
Đề nghị của ông Michel đặt ra mối liên hệ giữa việc giải ngân và tôn trọng luật pháp, một yêu cầu chính của một số quốc gia giàu có hơn đối với các quốc gia như Ba Lan và Hungary về vấn đề dân chủ. Tuy nhiên, bất kỳ hình phạt tài chính nào cũng cần sự hỗ trợ của đa số các quốc gia thành viên, theo dự thảo mà Bloomberg tiếp cận được, thì văn bản này vẫn có khả năng làm hài lòng Warsaw và Budapest.