Chia sẻ quan điểm về “Tâm và Tầm” trong kinh doanh, Chủ tịch FPT cho rằng, trước hết, muốn thành công phải lấy tư duy phụng sự làm trọng tâm. Khách hàng sẽ thử và tái mua sản phẩm, dịch vụ nếu họ cảm thấy, nhà cung cấp có tâm phụng sự họ.
Còn về Tầm, ông Trương Gia Bình lấy ví dụ mô hình kinh doanh của Amazon để mô phỏng về sự tiến hoá của nền tảng platform từ bán sách, giúp cộng đồng cùng bán sách, rồi nâng tầm trở thành nền tảng thương mại điện tử.
Sau khi nhận thấy, logistics là quan trọng nhất trong thương mại điện tử, họ phát triển nền tảng của mình trở thành nơi cung cấp tốt nhất về logistics.
Khi đã làm tốt nền tảng về logistics, Amazon nghĩ đến, tại sao không mở cửa hàng.
“Năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy cửa hàng Amazon khác hoàn toàn mọi mô hình hiện này vì họ sử dụng platform. Hiện, AWS của Amazon chiếm 60% thị phần cloud thế giới, bằng sự cải tiến platform của mình”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Nếu trở thành nhà đầu tư cá nhân, Chủ tịch FPT quan tâm và sẽ rót vốn vào lĩnh vực nào?
“Thế giới rộng lớn, không phải chỉ có dăm ba cơ hội nên tôi không lấy một tiêu chuẩn cứng để trả lời câu hỏi này”, ông Trương Gia Bình nói và cho biết thường đánh giá dựa vào các tiêu chuẩn mềm, mà Viec.Co- start-up vừa trở thành quán quân cuộc thi Startup Việt 2019là một ví dụ (Đây là nền tảng kết nối nhân lực tức thời giữa doanh nghiệp và lao động tự do, tập trung vào nhóm lao động phổ thông tại Việt Nam).
Ông Trương Gia Bình đánh giá, dù đội ngũ sáng lập dự án chỉ đang tập trung vào một ngách rất nhỏ trên thị trường, nhưng nếu chiếm được một số đông người dùng và sau đó tiếp tục tư duy phát triển nền tảng, tiềm năng sẽ còn rộng mở.
Doanh nhân này nhìn nhận, nếu phát triển mô hình dựa trên tư duy nền tảng như trường hợp của Amazon và hiểu rõ hành vi người dùng thì cơ hội là không giới hạn.
“Thương mại điện tử là lĩnh vực rất cạnh tranh, khi gần trở thành kỳ lân như Tiki thì việc đốt tiền là việc không thể thiếu. Nhưng trước hết, phải trở thành người đứng đầu thị trường như Tiki trước đã”, Chủ tịch FPT nói.
Còn kinh nghiệm gọi vốn đầu tư, ông Bình nhấn mạnh vào cụm từ “sống bằng ước mơ thật”. Theo lý giải của nhà sáng lập/Chủ tịch FPT, họ đang tập trung vào các sản phẩm/ dịch vụ trong nền kinh tế số.
"FPT muốn mỗi doanh nghiệp trở nên thông minh, nghĩa là có thể tự động trả lời các nhu cầu phát sinh. Chúng tôi đang sống với ước mơ đó, còn cách làm rất giống các start-up", ông Trương Gia Bình nói và chia sẻ, trước lúc gọi vốn trước khi IPO, các nhà sáng lập và điều hành FPT đặt mục tiêu xây dựng một bộ gen cho Công ty.
Gen người, đọc sách có thể biết, còn gen doanh nghiệp, họ loay hoay mãi không biết nên viết như thế nào.
Trong quá trình xuất khẩu phần mềm, một đối tác Ấn Độ chia sẻ rằng, gen doanh nghiệp cần xoay quanh khách hàng, quy trình, sự hài lòng.
Từ đây, FPT chọn ra các yếu tố quan trọng nhất là nhân viên, lãnh đạo, cổ đông, xã hội và sự hài lòng cho họ cấu tạo nên bộ gen FPT.
Họ nghĩ cổ đông sẽ hài lòng khi có các cổ đông rất lớn tin cậy đi cùng.
“Chúng tôi quyết định tìm. Một hôm, có một ông- người mà được giới thiệu là thường bay cùng máy bay Tổng thống, vào phòng tôi bảo rằng, ông ấy sẽ đầu tư vào tôi, vào FPT. Còn tiền đầu tư là tiền của Bill Gates. Tôi bị choáng rồi đồng ý để nhà đầu tư vào nhưng cần có thêm công ty công nghệ vào cùng. Thế là Quỹ đầu tư Texas Pacific Group (TPG) và Intel đầu tư vào FPT và chẳng lo thiếu vốn gì cả. Cứ chăm chỉ làm, thành công đi, người ta "xin bằng chết" để đầu tư vào”, ông Trương Gia Bình chia sẻ về thời điểm trước những ngày tháng 10/2006, khi FPT quyết định phát hành thêm cổ phiếu cho hai nhà đầu tư chiến lược TPG và Intel Capital (một tổ chức đầu tư của Tập đoàn Intel).
Theo đó, FPT sẽ nhận được một khoản đầu tư là 36,5 triệu USD từ TPG, thông qua quỹ đầu tư TPG Ventures và Intel Capital.
Hồng Phúc