Tại thị trường Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán trong ngày 13/2 đảo ngược đà tăng ở phiên trước đó, với chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 0,23%, chỉ số thành phần Thâm Quyến hạ 0,5%, trong khi chỉ số tổng hợp Thâm Quyến sụt 0,89%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng chứng kiến mức giảm 0,26%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đi ngang, trong khi chỉ số Topix giảm 0,25%. Cổ phiếu của tập đoàn Softbank tiếp tục tăng nhẹ trong phiên này sau khi leo dốc mạnh trong phiên 12/2.
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích 0,53% nhờ đà tăng vọt 3% của cổ phiếu của nhà sản xuất chip SK Hynix. Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 cộng 0,13%.
Chỉ số chứng khoán MSCI của cổ phiếu châu Á Thái Bình Dương, không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,11%.
Số ca tử vong và nhiễm bệnh mới của dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong ngày 12/2 sau khi cơ quan chức năng nước này thay đổi cách thống kê.
Trong thông báo sáng 13/2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cho biết đã ghi nhận số ca nhiễm mới lên tới 14.840 trường hợp, trong đó có 13.332 trường hợp mới chẩn đoán lâm sàng.
Số ca tử vong trong ngày 12/2 tại tỉnh này là 242 người. Như vậy, riêng tại Hồ Bắc, số người nhiễm bệnh từ khi dịch bùng phát đã lên tới 48.206 người. Số ca nhiễm mới tại Hồ Bắc cũng tăng vọt thêm 14.840 ca, gấp gần 10 lần so với một ngày trước đó.
Trên phạm vi toàn cầu, số người nhiễm bệnh hiện đã vượt con số 60.015 người, chủ yếu tại Trung Quốc đại lục.
Ủy ban Y tế Hồ Bắc bắt đầu thay phương pháp tính số ca nhiễm kể từ ngày 12/2, theo đó sẽ cộng gộp các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng và các trường hợp nhiễm bệnh đã xác nhận vào số ca nhiễm mới.
Theo cách thống kê mới được áp dụng từ ngày 12/2, hình ảnh chụp CT phổi có thể được sử dụng để xác nhận các ca nhiễm COVID-19, ngoài các xét nghiệm axit nucleic tiêu chuẩn, tạo điều kiện để bệnh viện nhanh chóng cách ly bệnh nhân. Trước đó, Hồ Bắc chỉ xác nhận các trường hợp nhiễm bệnh dựa trên kết quả xét nghiệm axit nucleic và phải mất vài ngày mới cho ra kết quả.
Ông Chris Chris Watling - Giám đốc điều hành của Cơ quan nghiên cứu Longview ngày 13/2 nói với CNBC: “Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư đang cân nhắc trước khi quyết định mua thêm các tài sản rủi ro trước các số liệu mới nhất về dịch COVID-19. Tuy nhiên, tôi cho rằng thị trường cũng nhanh chóng bình ổn trong thời gian ngắn, bởi đây chỉ là thay đổi về cách thống kê”.
Tâm lý trên thị trường đã tích cực hơn trong phiên đầu tuần nhờ dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy sự tăng chậm rõ rệt về tốc độ lây lan của COVID-19, cùng với việc chính phủ Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ kinh tế do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm phổi mới.
Bên cạnh đó, giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo tài chính của ác công ty lớn như tập đoàn ô tô Nissan Motors (Nhật Bản) và “ông lớn” công nghệ Alibaba của Trung Quốc, dự kiến được công bố trong ngày 13/2.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh do với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện giảm về 98,987 điểm sau khi tăng lên mức 99,001 điểm trong phiên trước đó.
Đồng yen Nhật Bản, thường được đánh giá là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế, được giao dịch ở mức 1 USD đổi được 109,95 yen, tăng so với 110,09 yen trong phiên 12/2.
Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính leo lên các mức cao mọi thời đại vào ngày 12/2, khi nhà đầu tư rũ bớt lo ngại về việc COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế toàn cầu như thế nào.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/2, chỉ số Dow Jones tăng 275,08 điểm (tương đương 0,9%) lên 29.551,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 0,6% lên 3.379,45 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,8% lên 9.725,96 điểm.
NGUYỄN THU (THEO CNBC)