Trong chính sách vốn OPM (other people money) – của Phái sinh hội mà ông Nam đưa ra là ưu tiên vốn nội bộ, tức là từ các thành viên tham gia khoá học và trong nhóm Phái sinh hội. Vốn OPM theo giải thích của các nhà đầu tư bị thiệt hại là vốn huy động từ người thân quen, bạn bè của thành viên Phái sinh hội.
Nếu là thành viên của Phái sinh hội góp vốn, lãi suất cam kết 4%/tháng (chưa trừ các phí).
Còn nếu là những người mới thì theo quy định mà ông Nam đưa ra, “lợi nhuận vốn ngoại là 2%/tháng”.Vốn ngoại ở đây là người thân, quen của thành viên nhưng chưa tham gia các khoá học (nói cách khác chưa là thành viên của Phái sinh hội) nhưng muốn góp vốn thì gọi là “vốn ngoại”.
Vốn ngoại sẽ được lãi cam kết 2%/tháng, trên mức này thì đồng đội được hưởng lãi chênh lệch. (đồng đội chính là thành viên đã giới thiệu và mời người mới vào).
Ví dụ tham khảo được đưa ra là, với lợi nhuận ròng là 960.000 đồng trên 1 HĐPS. Quyền lợi đồng đội hưởng Lãi chênh lệch là = 960.000- 360.000 (Lãi vốn ngoại) – 171.000 (Phí quản lý) = 429.000 đồng
Đây cũng là điểm hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư không chỉ tự mình góp vốn mà còn rủ thêm bạn bè, huy động vốn thêm từ người thân để góp vốn vào Phái sinh hội.
Thống kê của các nhà đầu tư cho thấy, nhà đầu tư có vốn góp nhiều nhất hơn 14 tỷ đồng (bao gồm vốn tự có, huy động gia đình, người thân thiết và một phần ít vay ngân hàng); vài nhà đầu tư góp 4-5 tỷ đồng, có nhiều nhà đầu tư có số vốn góp từ 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng, phần còn lại trên nửa tỷ đồng và số ít nhà đầu tư góp dưới 100 triệu đồng (thấp nhất là 18 triệu đồng).
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, 51 nhà đầu tư uỷ thác đầu tư phái sinh đã yêu cầu ông Phan Hoàng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Nobel Global (có vốn điều lệ 2 tỷ đồng) ngưng ngay việc đầu tư trái phép và trả lại tiền cho nhà đầu tư, nhưng ông Nam mới chỉ thanh toán được 1,4 tỷ đồng.
Theo đơn tố cáo, ông Phan Hoàng Nam đã thành lập Phái Sinh hội huy động được gần 72 tỷ đồng thông qua các thoả thuận uỷ thác đầu tư chứng khoán phái sinh với 51 nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Nam chỉ chuyển 12,79 tỷ đồng vào tài khoản phái sinh (tương ứng 17,8% vốn huy động) – và kết quả thua lỗ gần như toàn bộ, trong khi theo cam kết nếu lỗ quá 20% thì ông Nam phải ngừng giao dịch và phải báo cáo cho nhà đầu tư để quyết định.
Còn lại 58,92 tỷ đồng đầu tư trên sàn Aitrader – Thị trường Ngoại hối Forex – không nằm trong thoả thuận uỷ thác với các nhà đầu tư.
Đến tháng 12/2019 ông Nam thông báo toàn bộ số tiền đầu tư không còn.
Thống kê của nhà đầu tư cho biết, ông Nam đã hoàn lại cho nhà đầu tư tổng cộng gần 19 tỷ đồng, vẫn còn nợ 52,778 tỷ đồng.
Trong biên bản làm việc với một số nhà đầu tư ngày 12/1/2020, ông Nam cam kết sẽ hoàn trả cho các nhà đầu tư 6 tỷ đồng, thời hạn trước ngày 17/1/2020, phần còn lại 46 tỷ đồng sẽ hoàn trả sau tết Nguyên đán 2020. Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Nam vẫn chưa thực hiện cam kết của mình.
Ông Nam cũng nêu ý kiến trong biên bản, sẽ bàn lại với gia đình phương án vay Ngân hàng mới để khắc phục thua lỗ, hoàn trả trước Tết 2020. Sau Tết, ông Nam tiếp tục khắc phục thua lỗ này bằng việc đi dạy, tăng thu nhập để hoàn trả cho nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng và đề nghị ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản (tiền trong tài khoả, nhà đất, xe hơi…); ngăn chặn việc bán căn nhà tại quận Phú Nhuận và các tài sản khác do vợ chồng ông Nam; phong toả tài sản ngân hàng tại Việt Nam để đảm bảo thu hồi số tiền đã chuyển khoản, nộp vào những tài khoản của ông Nam.
Ngoài ra, nhà đầu tư mong muốn cơ quan điều tra làm rõ có đúng là ông Nam sử dụng phần lớn số tiền để đầu tư forex hay có mục đích khác như cấu kết với các tổ chức khác để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, đồng thời điều tra làm rõ số tiền đã chuyển cho các cá nhân khác.
Phan Hằng