Chốt phiên, VN-Index giảm 10,02 điểm (1,07%) về mốc 930,73 điểm. HNX-Index giảm 0,94 điểm (0,9%) về mốc 103,97 điểm. UPCOM-Index giảm 0,39 điểm (0,71%) về mốc 55,37 điểm.
Khối ngoại lại mua ròng hơn 35 tỷ đồng trên sàn HOSE nhưng bán ròng hơn 2 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu VHM, HPG và GAS trên sàn HOSE. PVS và NTP hiện là cổ phiếu được khối ngoại bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX.
Tính tại thời điểm chốt phiên giao dịch, sàn HOSE có 122 mã tăng, 220 mã giảm trong khi đó, xét riêng nhóm VN30 thì có đến 22 mã giảm trong khi chỉ 3 mã tăng.
GAS, BHN, DHG là những mã cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với số điểm lần lượt là 0,45; 0,2 và 0,14 điểm. Ở chiều ngược lại, những mã cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index là BID, VCB và VHM khi lâý đi lần lượt 2,9; 1,18 và 0,76 điểm.
Rổ VN30 nghiêng về sắc đỏ với 3 mã tăng và 22 mã giảm, 5 mã đứng giá, xuất hiện hai mã trần là CTD và ROS, theo sau là mức tăng gần 1% của SAB, trong khi chiều giảm là những cái tên như BID, BVH, VPB, VRE và MWG giảm từ mức hơn 2.5% đến 5% và gây áp lực lớn lên VN-Index.
Đa số các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng đều khoác sắc đỏ. Có thể kể tên, BID lao dốc mạnh và mất 5% giá thị trường, theo sau là SHB với mức giảm hơn 4%, VIB và VPB cùng nhau giảm quanh mốc 3%. Ở chiều ngược lại, TPB là cổ phiếu duy nhất xuất hiện sắc xanh nhưng chỉ nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.
Đáng chú ý, cổ phiếu SHB đầu phiên giao dịch khá giằng co nhưng sau ngập trong sắc đỏ. Chốt phiên, SHB giảm 300 đồng (tương đương 4,23%) về mốc 6.800 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, từ 3-6/2/2020, cổ phiểu này đã có chuỗi tăng “sốc” do ông Đỗ Vinh Quang, con trai của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) gom mua gần 36 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Trong khoảng thời gian thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường dao động quanh mức 6.000-6.800 đồng/cp. Ước tính theo vùng giá này, ông Đỗ Vinh Quang có thể đã phải bỏ ra 215-235 tỷ đồng.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index đang có dấu hiệu hình thành dao động đi ngang trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 920-922 điểm và vùng kháng cự 936-942 điểm trong ngắn hạn. Một sự phá vỡ tại 2 điểm cận này sẽ mở ra một nhịp biến động mới cho thị trường.
“Chỉ số dự báo sẽ giảm về kiểm định vùng hỗ trợ 920-922 điểm trong một vài phiên tới. Tại đây, thị trường được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, vùng điểm trên bị xuyên thủng, chỉ số có thể sụt giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh 898 điểm trong ngắn hạn. Diễn biến dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường là điều vẫn cần phải tính đến”, BVSC phân tích.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 11/2, VN-Index có thể sẽ quay trở lại trạng thái giằng co và tích lũy trong khoảng 920-940 điểm nhằm ổn định mặt bằng giá mới. Những nhà đầu tư đã mua vào trong hai phiên đầu tuần trước khi thị trường test vùng hỗ trợ 900-920 điểm (vùng tích lũy đầu 2019) và đã chốt lời một phần khi thị trường test vùng kháng cự 940-950 điểm (cạnh dưới vùng tích lũy tháng 6/2019-cạnh dưới vùng tích lũy cuối năm 2019) trong phiên thứ sáu tuần trước có thể áp dụng chiến lược mua thấp, bán cao (buy low, sell high) với vùng hỗ trợ và kháng cự nêu trên.
Thùy Linh