Phải đợi đến hết quý 1/2020 khi các doanh nghiệp kinh doanh bia rượu công bố kết quả kinh doanh quý mới có thể biết chính xác họ bị ảnh hưởng ra sao khi Nghị định 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.
Tuy nhiên, với tình trạng đìu hiu ở các quán nhậu hiện nay, có thể dự báo kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các đại gia bia rượu sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể lượng bia tiêu thụ của các doanh nghiệp bia rượu như Habeco, Sabeco, Heineken, Carlsberg,… sẽ tăng lên so với tháng liền kề trước đó do nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng điều đó không làm cho giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành có được giao dịch khởi sắc hơn.
Theo thống kê, kể từ sau ngày 1/1/2020, ngày bắt đầu xử phạt mạnh tay đối với các “ma men” lái xe, giá cổ phiếu của hai đại gia Sabeco (SAB), Habeco (BHN) đều sụt giảm đáng kể.
Với SAB, cổ phiếu này đã giảm 4.800 đồng kể từ đầu năm 2020 xuống còn 223.200 đồng sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1.
Với mức giá này, cổ đông lớn nhất của Sabeco là ThaiBev đã mất đi 1.649 tỷ đồng, hiện giá trị cổ phiếu SAB do đại gia Thái sở hữu đã giảm còn 76.701 tỷ đồng.
ThaiBev sở hữu 53,59% cổ phần tại Sabeco, tương đương 343.642.587 cổ phiếu thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage.
Điều đáng chú ý là mặc dù có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường trong nước nhưng mới đây Sabeco vẫn mạnh tay đầu tư nâng công suất sản xuất tại các nhà máy: Nhà máy bia Sài Gòn – Củ Chi, Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi, và Bia Sài Gòn – Sóc Trăng.
Lãnh đạo Sabeco tin tưởng rằng việc nâng công suất các nhà máy sẽ giúp Bia Sài Gòn củng cố vị thế dẫn đầu thị trường bia hiện nay.
Một “đại gia” khác là Habeco với thương hiệu Bia Hà Nội cũng đang trải qua những phiên giao dịch giá cổ phiếu suy giảm.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, sau 5 phiên giao dịch cổ phiếu BHN của Habeco giảm từ mức 75.600 đồng/cp còn 74.000 đồng.
Với mức giá này, giá trị cổ phiếu BHN do cổ đông chiến lược của Habeco là tập đoàn Carlsberg sở hữu đã giảm 65 tỷ đồng, còn 3.002 tỷ đồng.
Carlsberg hiện đang nắm giữ 17,51% cổ phần tại Habeco, tương đương hơn 40,5 triệu cổ phiếu và là cổ đông lớn thứ hai sau Bộ Công Thương (81,79%).
Đã không ít lần Carlsberg ngỏ ý muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 49%, không rõ liệu đại gia này có còn giữ ý định thâu tóm hãng bia này hay không sau khi “phong trào” ăn nhậu đang lắng xuống.
Habeco thậm chí còn được đánh giá là bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi là nhà phân phối bia hơi lớn nhất thị trường miền Bắc, một thức uống được dân nhậu sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Hiện vẫn chưa có “ông lớn” ngành bia rượu nào chính thức lên tiếng về khả năng điều chính kế hoạch kinh doanh năm 2020. Tuy nhiên, chắc hẳn các doanh nghiệp đã có những kế hoạch cho việc điều chỉnh này.
Thị trường bia Việt Nam trong vài năm nay đã trở thành sân chơi của các doanh nghiệp ngoại.
Năm 2015, Sapporo (Nhật Bản) mua lại 29% cổ phần của Vinataba tại Công ty Sapporo Việt Nam, biến công ty này thành 100% vốn của Sapporo International Inc (Nhật Bản) và ngay sau đó công bố đã đứng thứ 3 về thị phần tại TP.HCM sau Sabeco và Heineken.
Tương tự, cuối năm 2011 Carlsberg chi 1.875 tỷ đồng mua lại 50% phần vốn còn lại từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó chính thức thâu tóm 100% cổ phần tại bia Huda Huế. Đến năm 2013, công ty Carlsberg Việt Nam hoàn chỉnh được thiết lập bao gồm công ty kinh doanh và nhà máy sản xuất tại miền Bắc và miền Trung Việt Nam, thâu tóm nhà máy bia Halida, trở thành cổ đông chiến lược của Habeco.
Bên cạnh đó là các thương hiệu bia ngoại như Budweiser, Beck's do AB InBev sở hữu khiến những thương hiệu bia do doanh nghiệp 100% vốn nội sở hữu như Sư Tử Trắng của Masan vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên chính sân nhà.
Hiền Anh