Đây là tuyên bố đưa ra hôm 27/2 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong bối cảnh các biện pháp phòng chống dịch đang được tăng cường tại khắp nơi trên thế giới. Trong khi Saudi Arabia quyết định tạm thời đóng cửa đối với người hành hương, thì Nhật Bản cũng cho học sinh toàn quốc nghỉ học để tránh dịch bệnh lây lan rộng.
Nếu như cách đây chỉ 1 tuần, Trung Quốc vẫn là ổ dịch Covid-19 lớn nhất và duy nhất trên thế giới, thì nay có tới ít nhất 3 ổ dịch mới là Hàn Quốc, Iran và Italy. Hàng trăm ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày, trong khi danh sách những nước thông báo các ca nhiễm bệnh đầu tiên cũng ngày một nối dài.
Một loạt nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh, Croatia, Áo, Đan Mạch, Đức, Pháp hay mới đây nhất là Hà Lan đều có ít nhất một người nhiễm bệnh là trở về từ Italy. Không chỉ tại châu Âu, SARS-CoV-2 đã lan tới Brazil khi một công dân nước này trở về từ Italy được xác nhận dương tính với dịch bệnh. Đây cũng là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latin xuất hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Châu Phi cũng không nằm ngoài ảnh hưởng, dù số ca nhiễm bệnh tại đây vẫn còn thấp. Một công dân Italy tới Algeria hôm 17/2 đã trở thành người thứ hai nhiễm bệnh tại châu lục này, sau trường hợp đầu tiên tại Ai Cập.
Nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa và khuyến cáo công dân không tới những vùng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tại Italy. Ngay tại Italy, chính quyền nước này cũng đã triển khai những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, trong đó có cách ly 11 thành phố ở miền Bắc, nơi được xem là lá phổi kinh tế của đất nước.
Phát biểu tại cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tại Napoli, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27/2 tuyên bố, cuộc chiến chống Covid-19 chỉ có thể thành công nếu có sự hợp tác đầy đủ ở cả cấp độ châu Âu và quốc tế. Nước này hôm qua cũng phải chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng lên gấp đôi từ 18 lên 38, trong đó có 2 ca tử vong.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus thì khẳng định, cuộc chiến đang ở thời điểm quyết định. Theo ông, 2 ngày qua, số ca nhiễm mới theo ngày trên toàn thế giới đã vượt qua Trung Quốc, quốc gia khởi phát của dịch bệnh. Nếu hành động quyết liệt ngay từ bây giờ, thế giới có thể đẩy lùi được virus SARS-CoV-2.
“Chúng ta đang ở một thời điểm quyết định. Trong hai ngày qua, số trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở phần còn lại của thế giới đã vượt quá số trường hợp nhiễm mới tại Trung Quốc. Thông điệp của chúng tôi là loại virus này có khả năng gây đại dịch và WHO đang cung cấp các công cụ để giúp mọi quốc gia chuẩn bị kế hoạch đối phó phù hợp", ông Ghebreyesus nói.
Toàn thế giới đều đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước dịch Covid-19. Saudi Arabia hôm qua quyết định tạm thời đóng cửa đối với hàng chục nghìn tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi đổ về thánh địa Mecca nhân dịp lễ hành hương Oumra. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe mới đây yêu cầu tạm thời đóng cửa toàn bộ các trường học công trên khắp cả nước.
Dù chưa có sự lây lan trong cộng đồng tại Mỹ, song Tổng thống Donald Trump hôm 27/2 tuyên bố, nước này sẵn sàng đối phó với “dịch bệnh ở quy mô nghiêm trọng hơn nhiều”. Chính quyền bang California trước đó cùng ngày thông báo đang theo dõi khoảng 8.400 người nhằm đảm bảo những người này không mang virus gây bệnh, đồng thời truy tìm nguồn gốc lây nhiễm của một trường hợp nhiễm bệnh mới đây mà chưa từng tới hay đi qua vùng dịch.
Ngay tại Trung Quốc, quốc gia khởi phát dịch bệnh, lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các quốc gia khác, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã quyết địch cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia chịu tác động mạnh của Covid-19./.
Thu Hoài/Tổng hợp