Thêm một hành khách của tàu Diamond Princess tử vong
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản hôm nay thông báo, một cụ ông (công dân Nhật Bản, trong độ tuổi 80) là du khách của du thuyền Diamond Princess đã qua đời do bệnh viêm phổi. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản không nêu rõ cụ ông này có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-10 hay không, cũng như ông là hành khách hay thành viên của thủy thủy đoàn, do không được sự đồng ý của gia đình người bệnh. Đến nay, ba người trong số những người từng ở trên tàu này đã qua đời. Hai hành khách Nhật Bản (một cụ ông 87 tuổi và một cụ bà 84 tuổi) cũng qua đời do Covid-19 vào ngày 20-2 vừa qua.
Liên quan đến tàu Diamond Princess, giới chức y tế Hồng Kông (Trung Quốc) đêm 23-2 cho biết, một người được đưa ra từ du thuyền này từ tuần trước đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong thời gian cách ly. Người đàn ông 68 tuổi đã bị ốm khi được cách ly trong một khu vực dân cư ở Hồng Kông (Trung Quốc). Đây cũng là nơi chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) sử dụng làm nơi cách ly toàn bộ 213 hành khách trở về từ tàu Diamond Princess. Kể từ ngày 19-2, 193 hành khách trên tàu Diamond Princess đã lên ba chuyến bay để trở về Hồng Kông (Trung Quốc), 20 hành khách khác đã tự về Hồng Kông (Trung Quốc).
Trước đó, ngày 22-2, chính quyền tỉnh Tochigi, miền đông Nhật Bản, xác nhận, một phụ nữ Nhật Bản trở về nhà tại tỉnh này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau khi rời du thuyền Diamond Princess ngày 19-2. Đây là trường hợp đầu tiên phát hiện nhiễm bệnh trong tổng số 969 người được phép rời tàu từ ngày 19 đến 21-2 sau khi có xét nghiệm âm tính. Theo chính quyền tỉnh Tochigi, người phụ nữ này đã cùng chồng về nhà bằng phương tiện giao thông công cộng và có đeo khẩu trang.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ thị cho nhóm đặc trách của chính phủ về Covid-19 khẩn trương soạn thảo một chính sách cơ bản mới nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tại cuộc họp của nhóm đặc trách này, ông Abe nhấn mạnh, việc kiềm chế tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19 là rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh. Theo Thủ tướng Abe, chính sách mới sẽ bao gồm việc cung cấp thông tin cho công chúng và doanh nghiệp về tình hình dịch bệnh, các biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và cung cấp các dịch vụ y tế cho người bệnh. Ông Abe cũng yêu cầu giới chức nước này tăng cường giám sát tình hình sức khỏe của những người đã rời du thuyền Diamond Princess dù họ đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, đồng thời bắt đầu thực thi các biện pháp cho phép các thành viên thủy thủ đoàn rời tàu.
Trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng Covid-19 đang lan rộng tại Nhật Bản qua những con đường lây nhiễm chưa được xác định, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-2 đã kêu gọi người dân tăng cường cảnh giác khi đến Nhật Bản, nâng cảnh báo lên mức 2 trong thang cảnh báo có bốn cấp độ. Trước đó, Mỹ đưa ra cảnh báo mức 1, khuyến cáo công dân thực hành "thận trọng thông thường" tại Nhật Bản.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, nhiều ca nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản có liên quan tới việc đến hoặc đi từ Trung Quốc đại lục hoặc có tiếp xúc gần với những người có lịch trình đến và đi từ Trung Quốc. Bộ này nhấn mạnh, “sự lây lan liên tục trong cộng đồng” đã được ghi nhận tại Nhật Bản, có nghĩa là nhiều người dân tại Nhật Bản đã bị nhiễm virus song không rõ nguồn gốc và con đường lây nhiễm bệnh, và bệnh dịch vẫn tiếp diễn.
Hàn Quốc căng sức dập dịch
Sau khi ghi nhận sáu ca tử vong và hơn 600 người nhiễm Covid-19, Hàn Quốc thật sự trở thành một điểm nóng ngoài Trung Quốc đại lục trong giai đoạn bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng theo cấp số nhân trong vài ngày qua và số trường hợp nhiễm bệnh tại Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc đại lục. Trước tình hình này, Hàn Quốc đã nâng cảnh báo về Covid-19 lên mức cao nhất, chính quyền Seoul đã nghĩ đến phương án lập trụ sở ứng phó thiên tai mới và Bộ Giáo dục nước này quyết định lùi ngày khai giảng năm học 2020 đến ngày 9-3, tức là thêm một tuần so với kế hoạch ban đầu.
Italy ráo riết tìm người nhiễm Covid-19 đầu tiên
Nếu như số ca nhiễm Covid-19 tại Italy vào sáng 21-2 là ba người thì chỉ hai ngày sau, sáng 22-3, con số này là ít nhất 132 người. Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy Angelo Borrelli cho biết, trong những ca bệnh tại nước này, có 26 người đang được chăm sóc chuyên sâu, hai người đã tử vong và một người đã hồi phục. Các nhà chức trách Italy đang chạy đua với thời gian để tìm ra người đầu tiên nhiễm Covid-19 trong nước và khi chưa tìm ra được người này thì việc khoanh vùng ca nhiễm mới sẽ gặp khó khăn.
Sau khi các ca nhiễm Covid-19 tại khu vực Lombardy và Veneto ở miền bắc Italy tăng đột biến, giới chức Italy đã áp đặt các biện pháp khẩn cấp vào cuối tuần này, trong đó có cấm tổ chức các sự kiện cộng đồng tại 10 khu vực.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza ban bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại những khu vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như đóng cửa các tòa nhà cộng đồng, hạn chế đi lại, giám sát và cách ly những người có thể nhiễm Covid-19...
Giải bóng hàng đầu của Italy Serie A đã hủy ít nhất ba trận đấu dự kiến diễn ra tại Lombardy và Veneto. Trong khi đó, “kinh đô thời trang” Milan cũng thông báo sẽ đóng cửa các trường học trong vòng một tuần, kể từ ngày 24-2. Venice Carnival và những ngày cuối của Tuần lễ Thời trang Milan cũng chịu ảnh hưởng của diễn biến dịch bệnh. Bộ Giáo dục Italy thông báo các chương trình đi học trong nước và nước ngoài cũng sẽ bị hủy từ ngày 23-2.
Báo động tình hình dịch bệnh tại Trung Đông
Iran hôm nay đã xác nhận thêm 15 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 42. Tuy nhiên, đã có đến tám người tử vong do Covid-19 tại Iran. Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đã tạm đóng cửa biên giới với Iran, trong khi Afghanistan tạm ngừng hoạt động đi lại bằng đường hàng không và đường bộ với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Các nước khác tại khu vực Trung Đông như Lebanon và Israel cũng ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Tính đến ngày 23-2, thế giới có xấp xỉ 79 nghìn ca mắc Covid-19 với gần 2.500 ca tử vong. Dù tỷ lệ nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc tương đối nhỏ nhưng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn bày tỏ quan ngại về số ca nhiễm không có mối liên hệ dịch tễ học rõ ràng.
H.H Tổng hợp