Điều hành kinh tế - xã hội 2020: Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế

Điều hành kinh tế - xã hội 2020: Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Kết quả đạt được của năm 2019 không phải là vơ vào, thành tích chủ nghĩa, mà là có minh chứng rõ ràng. Năm 2020, tinh thần chung là chủ động tích cực hơn, năng động sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019. Bởi dừng lại là thụt lùi, phải phấn đấu để chuẩn bị khí thế bước vào thời kỳ mới, thập kỷ mới.

Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á. Ảnh: Lê Tiên


Đó là phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 30/12/2019.

Đã “bứt phá” thành công

“Tôi nhớ tại Hội nghị tổng kết năm 2018 cũng tại đây, tôi có bày tỏ mong muốn và chúc năm 2019 đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2018. Đồng chí Thủ tướng khi đó cũng có chút lo lắng. Nhưng đến giờ, riêng tôi có cảm nhận chúng ta đã đạt được điều mong muốn, cam kết năm ngoái. Năm 2019 có thể coi là một năm bứt phá”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bắt đầu phát biểu tại Hội nghị. Kết quả này theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước càng quan trọng hơn vì năm 2019 mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức lớn nhưng đã có được nhiều thành quả quan trọng, toàn diện.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, trong bối cảnh tình hình kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu  khu vực và thế giới. Quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt 262 tỷ USD, GDP bình quân đầu người gần 2.800 USD. “Với một đất nước dân số 96 triệu dân, con số này rất có ý nghĩa, điều chưa từng có trong lịch sử nước ta”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng cải thiện, lạm phát được kiểm soát thấp hơn kế hoạch đề ra, đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh, các cân đối lớn được đảm bảo, quy mô xuất nhập khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay, nợ công, bội chi đều giảm…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, những thành quả kinh tế - xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc. “Quan niệm phải đánh đổi trong tiến trình phát triển, quy mô càng lớn càng khó có tăng trưởng nhanh, hay đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô đã không còn đúng”, Thủ tướng nói. Những số liệu kinh tế đạt được của năm 2019 đã chứng minh điều đó. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Chính phủ cũng luôn nhất quán thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường. 

Không chủ quan thỏa mãn, tiếp tục phấn đấu

Nhấn mạnh tinh thần khiêm tốn, không chủ quan thỏa mãn với thành tích đã đạt được, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ ra nền kinh tế còn nhiều khó khăn thách thức, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, sức ép lạm phát còn lớn. Hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, xử lý dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém còn nhiều vướng mắc. Kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI tuy có nhiều tiến bộ, phát triển nhanh nhưng chưa thực sự lành mạnh, bền vững. Một số chính sách còn chồng chéo, thực thi công vụ còn có tư duy việc có lợi thì kéo về cho cơ quan đơn vị mình, cá nhân mình, khó khăn thì đùn đẩy cơ quan khác, ngành khác…

Ngoài ba bài học kinh nghiệm để điều hành kinh tế - xã hội kế thừa từ hội nghị trước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước gợi mở sắp tới cần đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, không mạnh nhẹ khu vực kinh tế nào, nhấn khu vực tư nhân không có nghĩa buông nhẹ khu vực kinh tế nhà nước, khu vực FDI…

Về kinh tế, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên khắc phục những hạn chế yếu kém tồn đọng từ lâu để có kết quả rõ rệt hơn… Chính phủ cũng cần triển khai nghiêm túc luật pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, công trình trọng điểm quốc gia…

Tinh thần quyết tâm, nỗ lực cao hơn nữa, năng động sáng tạo hơn nữa được Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, cũng là tinh thần phương châm hành động của Chính phủ trong năm 2020: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tiếp tục duy trì được sức tăng trưởng cao như hiện nay trong 2 thập niên tới sẽ giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào đúng năm 2045 - cột mốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, chỉ cần lỡ một nhịp tăng trưởng, cột mốc đó sẽ bị lùi lại ít nhất vài năm. “Vì vậy, năm nào tôi cũng muốn nhắc lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Minh Thư

Tags: Kinh Tế Xã Hội 2020 Điều Hành Kinh Tế Kinh Tế Tư Nhân Khởi Nghiệp Thập Kỷ Mới