Doanh nghiệp “tố” chứng nhận đăng ký lưu hành tự do làm tốn thời gian và chi phí

Doanh nghiệp “tố” chứng nhận đăng ký lưu hành tự do làm tốn thời gian và chi phí
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khẳng định: Chứng nhận đăng ký lưu hành tự do trong hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm đang tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, khiến họ mất thời gian và chi phí.

VCCI cho rằng CFS chỉ nên là một tài liệu tăng thêm giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc đánh giá tính an toàn của sản phẩm, chứ không nên là một tài liệu bắt buộc.

CFS làm tốn thời gian và chi phí của doanh nghiệp

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Mai - đại diện cho Hiệp hội Tinh dầu, hương liệu, mỹ phẩm Việt Nam cho biết, các nước ASEAN và các nước châu Âu đều không yêu cầu phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do (CFS) trong thành phần hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.

Trong khi đó, tại Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 4 Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, Việt Nam lại yêu cầu phải có CFS.

“Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm phản ánh với tôi rằng, việc xin CFS ở nước xuất khẩu không khó, nhưng để có thể nộp được thành phần hồ sơ này, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự. Mà thủ tục này lại khiến doanh nghiệp vô cùng tốn thời gian và chi phí”, bà Mai nói.

Do đó, từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Mai kiến nghị Việt Nam nên bỏ giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

CFS chỉ mang ý nghĩa một loại tài liệu tham khảo.

Thật ra trong quá trình nội luật hóa các quy định liên quan đến CPTPP Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ tài liệu là Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành tự do (CFS) trong thành phần hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc phải sửa đổi khoản 4 Điều 4 của Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mục đích quan trọng nhất của việc kiểm soát mỹ phẩm nhập khẩu là nhằm bảo đảm chất lượng và tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Xét về mặt bản chất, ông Tuấn khẳng định CFS chỉ là giấy tờ chứng minh quốc gia xuất khẩu đã kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI trên thực tế, nhiều trường hợp quốc gia khác muốn hỗ trợ xuất khẩu nên cấp CFS mà không kiểm tra chất lượng hàng hoá thực tế. Trong thành phần hồ sơ xin đăng ký lưu hành mỹ phẩm nhập khẩu đã có đủ các loại giấy tờ khác để chứng minh chất lượng hàng hoá.

“Do đó, CFS chỉ mang ý nghĩa một loại tài liệu tham khảo mà thôi, ông Tuấn nhấn mạnh

Tuy nhiên, dù xin CFS ở nước xuất khẩu không khó, nhưng để có thể nộp được thành phần hồ sơ này, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự.

“Theo phản ánh của các doanh nghiệp tới VCCI thì thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian và chi phí, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Do đó, nếu có thể loại bỏ CFS trong thành phần hồ sơ thì có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng thời, theo ông Tuấn việc miễn CFS trong thành phần hồ sơ này nên được áp dụng cả cho hàng hoá đến từ các nước đối tác trong CPTPP và cho hàng hoá đến từ tất cả các quốc gia khác.

Huyền Trang

Tags: Kinh Doanh Mỹ Phẩm Chứng Chận Đăng Ký Lưu Hành Tự Do Cfs Diễn Đàn Doanh Nghiệp Hồ Sơ Nhập Khẩu Mỹ Phẩm Vcci