Doanh nhân Lê Thị Hường, Tổng giám đốc IEC: Liều lĩnh “ngược dòng” để bứt phá

Doanh nhân Lê Thị Hường, Tổng giám đốc IEC: Liều lĩnh “ngược dòng” để bứt phá
Tưởng như số phận đã an bài khi trở thành cô giáo, nhưng nữ doanh nhân Lê Thị Hường đã 2 lần phá vỡ những giới hạn an toàn để khai phá những tiềm năng của bản thân mình.

Để đi đến thành công, mỗi doanh nhân, start-up luôn phải tìm cho mình một con đường, hướng đi khác biệt, đôi khi là “ngược dòng” với số đông thị trường, hay thậm chí là “ngược dòng” với chính cách nghĩ, cách làm đã ăn sâu vào tư tưởng, phá vỡ những giới hạn an toàn của chính bản thân. Nữ doanh nhân Lê Thị Hường, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Giáo dục Quốc tế IEC là một người như thế.

“Nếu cuộc sống này là một dòng chảy thì tôi không muốn cuộc sống của mình trôi yên ả trong sự tẻ nhạt. Ngay khi cơ hội đến, tôi đã liều lĩnh dám ngược dòng để bứt phá”, chị bắt đầu câu chuyện đưa chị từ một cô giáo dạy môn Lịch sử trở thành một doanh nhân.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống là giáo viên, chị sớm được “truyền lửa” sư phạm từ nhỏ. Chọn môn Lịch sử để theo đuổi “sự nghiệp trồng người”, tưởng như niềm say mê với nghề dạy học là bất tận, nhưng rồi chị nhận ra, môn Lịch sử chưa thỏa mãn hết nỗi niềm.

“Cơ duyên đến vào năm 2012 khi tôi được nghe bạn bè nói nhiều về chương trình Số học trí tuệ thông minh. Đây là một bộ môn với phương pháp học giúp trẻ phát triển trí thông minh vượt trội. Ðặc biệt, các em được rèn luyện năng lực tư duy, phát triển não bộ một cách toàn diện”, chị tâm sự.

Đào sâu tìm hiểu và thực sự ấn tượng với môn học này, chị cho con theo học và nhận thấy kết quả rõ rệt. “Tôi bị cuốn vào đó với đủ tài liệu liên quan. Niềm say mê bộ môn phát triển tư duy cứ thế lớn dần trong tôi”, chị nói.

Để “toàn tâm, toàn ý” với niềm đam mê mới được khai phá, chị xin nghỉ dạy ở trường, mặc cho gia đình hết lòng can ngăn lựa chọn “ngược dòng” đó.

Bắt đầu lại từ con số 0, chị tìm đến chính trung tâm đã dạy phát triển tư duy cho con mình và xin được nhận vào đào tạo. Bằng những nỗ lực ngày đêm, chị được cấp chứng chỉ dạy của chương trình và trực tiếp đứng lớp. Những giờ giảng của chị đều nhận được phản hồi tích cực từ cả học sinh lẫn phụ huynh.

Vui mừng vì đã chọn được đúng con đường, nhưng cơ chế làm việc cứng nhắc, quy định không hợp lý tại trung tâm khiến cô giáo Lê Thị Hường cảm thấy khả năng sáng tạo của chị như bị kìm hãm.

Vậy là năm 2016, chị lại một lần nữa “ngược dòng”, quyết định nghỉ việc rồi tự thành lập trung tâm dạy tư duy cho trẻ. Sau bao cố gắng, trung tâm đã đi vào hoạt động, nhưng điều trớ trêu là sự đón nhận của phụ huynh và học sinh không như mong đợi.

Chị kể, những tưởng với uy tín cá nhân của mình, các bậc phụ huynh sẽ ủng hộ, nhưng phần vì có nhiều chương trình phát triển tư duy khác nhau, phần vì có nhiều đối thủ “tung chiêu” cạnh tranh gay gắt, nên việc tuyển sinh hết sức khó khăn, hoạt động đình trệ.

Bao nhiêu vốn liếng đem đầu tư nhưng không có doanh thu, chưa kể các khoản nợ nần khiến vị doanh nhân lần đầu khởi nghiệp kinh doanh không khỏi đau đầu.

Cùng với đó, do thiếu hẳn kiến thức về quản trị và kinh doanh, Công ty lúc đó khó khăn cả về nội lực lẫn đối ngoại. “Có những lúc, cảm thấy ngột ngạt, dường như tôi không đủ sức để bước tiếp”, chị tâm sự.

Doanh nhân Lê Thị Hường đã làm thế nào để vượt qua khó khăn và cơn khủng hoảng đó? Lời giải sẽ được bật mí trong Những câu chuyện thật của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phát sóng lúc 9h45’ sáng Chủ nhật (19/4) trên Kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Theo dõi chương trình, những người trẻ đang ấp ủ ước mơ khởi nghiệp sẽ có thêm động lực và quyết tâm để dám đi “ngược dòng”, như tâm sự của nữ CEO CTCP Đầu tư Giáo dục Quốc tế IEC: “Tôi nhất định không sa chân vào những lối mòn”.

 


Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam.

Tags: Start-Up Chìa Khóa Thành Công Doanh Nhân Lê Thị Hường