Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore, Tiến sĩ Hoàng Thị Hà cho rằng những thay đổi và biến động về địa chính trị nêu trên đặt ra thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội cho khu vực. Ví dụ như xu hướng dịch chuyển dòng thương mại từ Trung Quốc do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã tạo cơ hội cho các nền kinh tế ASEAN nâng cao năng lực sản xuất và thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu sang cả Mỹ và Trung Quốc.
Tiến sĩ Hoàng Thị Hà cho rằng trong nội bộ các nước Đông Nam Á, ưu tiên chính vẫn là chính trị nội bộ và tập trung phát triển kinh tế, thúc đẩy thương mại đầu tư, chú trọng bắt nhịp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều đó đòi hỏi nâng cao nội lực, đặc biệt là chất lượng hạ tầng, khung thể chế, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về quan hệ đối ngoại, theo Tiến sĩ, ASEAN sẽ cố gắng duy trì lập trường cân bằng với Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, ASEAN và các nước thành viên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế với các cường quốc khác như là Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và cả Liên minh châu Âu (EU) để phân tán rủi ro và đa dạng hóa đối tác.
Tiến sĩ nhấn mạnh đến xu thế liên kết kinh tế khu vực trên bình diện rộng vẫn tiếp tục do nhu cầu thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước trong khu vực. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh chiến lược vẫn tiếp tục là những nhân tố có thể gây hạn chế.
Trong khi đó, đánh giá về những có hội và thách thức đối với riêng Việt Nam trong năm 2020 này, ông Choi Shing Kwok, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng đây là thời điểm các nước và các khu vực trên thế giới quan tâm đến Đông Nam Á. Trên cương vị là chủ tịch ASEAN, đây là lúc Việt Nam thể hiện khả năng của mình trong việc dẫn dắt ASEAN về mặt chính sách mà Việt Nam đưa ra, là cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược, tuy nhiên, đó cũng là thách thức.
Cụ thể, đề cập đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ông Cho Shing Kwok nhấn mạnh đây là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt các nước ASEAN và cùng các nước RCEP khác nỗ lực thuyết phục Ấn Độ sớm gia nhập RCEP trở lại. Năm 2020, một vấn đề có ý nghĩa then chốt nữa là cần phải đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy đàm phán về COC. Ông một lần nữa khẳng định đây là thách thức, song cũng là cơ hội đối với Việt Nam.
Nguyễn Thúy