Cụ thể, theo số liệu thống kê của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), tuần qua (06/01-13/01), dòng vốn đã trở lại Đông Nam Á và tăng mạnh trong tuần, ghi nhận ở mức 23 triệu USD.
Trong đó, sau những tuần bị rút ròng thì Indonesia đã thu hút gần 1 triệu USD, cao nhất trong 1 tháng gần đây. Bên cạnh đó, Thái Lan và Singapore lần lượt đón nhận 7 triệu và 9 triệu USD.
Một điểm tích cực khi thị trường Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, đạt 5 triệu USD trong tuần qua, mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Đóng góp chủ yếu trong dòng vốn này đến từ VFMVN30 ETF với 4 triệu USD đổ vào thông qua chứng chỉ quỹ, tiếp đến là VanEck and Premia MSCI.
Tại thị trường Việt Nam, hoạt động mua ròng từ khối ngoại tăng mạnh, ghi nhận giá trị mua ròng ở mức 1.000 tỷ đồng, gấp 16 lần so với tuần trước đó.
Trong đó, nhóm cổ phiếu thuộc ngành Dịch vụ tiện ích và Tiêu dùng thiết yếu được mua ròng mạnh nhất, giá trị mua ròng lần lượt là 990 tỷ đồng và 211 tỷ đồng. Cụ thể, cổ phiếu của Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (HoSE: PGD) dẫn đầu lĩnh vực Dịch vụ tiện ích với giá trị mua ròng lên đến 1.020 tỷ đồng. Với Tiêu dùng thiết yếu, cổ phiếu của Vinamilk (HoSE: VNM), Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) và Sabeco (HoSE: SAB) là những mã thu hút lực mua mạnh nhất.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu thuộc nhóm Tài chính là lĩnh vực bị bán mạnh nhất, tập trung trên Vietcombank (HoSE: VCB), Vietinbank (HoSE: CTG), HDBank (HoSE: HDB) và Chứng khoán HSC (HoSE: HCM) trong khi BIDV (HoSE: BID) vẫn thu hút lực mua. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thuộc ngành Năng lượng bị áp lực bán chi phối, chủ yếu đến từ cổ phiếu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) và Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HoSE: PLX).