Freddie Figgers có bốn bằng sáng chế mang tên mình, như về hệ tống điện toán đám mây, điện thoại thông minh và hệ thống theo dõi dữ liệu từ xa cho bệnh viện. "Chúng tôi là công ty viễn thông duy nhất thuộc sở hữu của người thiểu sổ ở Mỹ", Figgers, người Mỹ gốc Phi, nói với niềm tự hào.
Và có lẽ điều truyền cảm hứng hơn nữa là Figgers từng suýt bị tước mạng sống khi chào đời. Lúc mới vài giờ tuổi, Figgers bị mẹ ruột bỏ rơi trong thùng rác ở vùng nông thôn Florida. Cậu bé được người quét rác phát hiện và đưa vào bệnh viện trong tình trạng cơ thể tím tái, nhiều vết xước. Hai ngày tuổi, Figgers được cặp vợ chồng tên Nathan và Betty Figgers nhận nuôi.
Tuổi thơ Figgers đã bị bạn bè trêu chọc vì quá khứ bị vứt bỏ. Với cậu, chuyện này này là một vết nhơ đáng xấu hổ.
Năm 9 tuổi, cha nuôi Figgers đã mua cho con trai chiếc máy tính 25 đôla ở cửa hàng đồ cũ, những mong con thoát khỏi tự ti. "Đó là một chiếc máy tính hỏng, cũ MacIntosh, đời 1989", Figgers nói. Sau 5-6 lần mày mò, cậu bé đã tự sửa được chiếc máy và nó vẫn hoạt động cho đến ngày hôm nay.
Từ đó Figgers bắt đầu đam mê với công nghệ để giúp đỡ người xung quanh. Cụ thể cậu đã thiết kế máy định vị và thiết bị liên lạc hai chiều được đặt vào giày của cha, người bị Alzheimer, để đảm bảo gia đình có thể tìm thấy ông mỗi khi đi lang thang. Năm 12 tuổi, Figgers kiếm được công việc đầu tiên trong đời là làm kỹ thuật viên sửa máy tính tại quê nhà Quincy, Florida.
15 tuổi, Figgers nảy ra ý tưởng làm các dịch vụ máy tính trên nền tảng đám mây. Anh đã đi khắp các đại lý xe hơi, công ty luật, các công ty môi giới nhà đất, giúp họ chuyển từ dữ liệu lưu bằng giấy tờ sang máy tính.
Mặc dù chàng trai trẻ có tài năng sửa chữa mạng và máy tính, phần mềm mới là đam mê thực sự của anh. Figgers đã thiết kế các ứng dụng bảo mật ngân hàng, một hệ thống theo dõi bệnh nhân từ xa cho người già và vô số phần mềm khác cho một loạt khách hàng. "Khi tôi 17 tuổi, tôi có 150 khách hàng. Mỗi tuần tôi còn sửa trung bình 50-60 máy tính", Figgers nói.
Anh bỏ học đại học vào năm 2009 khi được trao cơ hội thiết kế một chương trình trị giá giá 65.000 USD. Bước đột phá đến vào năm 2012, khi ở tuổi 23, Figgers nâng cấp thiết bị theo dõi từ xa vốn làm cho bố, để giúp người cao niên không muốn tới viện vẫn được chăm sóc và theo dõi. Anh bán phát minh này kiếm được 2,3 triệu đôla, giúp đặt nền tảng cho công ty của riêng mình.
Hiện nay Figgers có công ty lớn bán điện thoại thông minh và gói dữ liệu, anh vẫn đam mê kết hợp công nghệ với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ví như máy đo đường huyết không dây cho những người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có thể tải và chia sẻ mức đường huyết thông qua công nghệ Bluetooth. Anh cũng đang thực hiện một dự án tương tự công nghệ "giày thông minh", giúp các gia đình giữ liên lạc với người thân yêu gặp phải tình trạng vô gia cư.
"Năm xưa nếu tôi không được phát hiện, có thể tôi đã chết hoặc trở thành người vô gia cư", Figgers nói.
Người đàn ông thành đạt cũng đã làm rất nhiều để đáp lại cuộc sống, từ học bổng tài trợ cho các doanh nhân người da màu, diễn giả truyền cảm hứng tại các trường học, nhà tù...
Freddie kết hôn với nữ luật sư Natlie và hiện có con gái 2 tuổi. Anh rất biết ơn cha mẹ nuôi vì đã yêu thương và dạy cho mình biết bối cảnh không quyết định thân phận.
"Giờ đây tôi đang có một cuộc sống hạnh phúc, điều quan trọng tôi phải làm là trả nghĩa cho đời. Tôi chỉ là một con người, nhưng tôi tin nếu mình có thể tác động lên một người khác, điều tốt sẽ nhân lên. Tôi muốn con gái tôi lớn lên biết điều đó", doanh nhân tài năng này nói.
Bảo Nhiên (Theo Theepochtimes, Atlantablackstar)