Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ hôm nay (1/8), sau gần 10 năm đàm phán với cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế 7-10 năm tới.
Theo cam kết, gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình 7-10 năm, số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%. Hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ, đầu tư như tài chính, thương mại điện tử, logistisc... và ngay cả những lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, thương mại... cũng sẽ lần lượt được mở cửa. Cơ hội, theo đó, với hai bên là rất lớn.
Với Việt Nam, cơ hội là đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, thuỷ sản hay dệt may, da giày... vào thị trường 27 nước châu Âu, hay thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại từ các doanh nghiệp khu vực này thời gian tới.
Còn với EU, cơ hội không chỉ là giảm loạt thuế quan EVFTA còn đem lại những ưu thế cho nhà đầu tư châu Âu phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam, nơi vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.
EVFTA còn được ví như "đường cao tốc" nối Việt Nam với EU, thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch.
EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 56,5 tỷ USD vào năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD.
Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Singapore) tại ASEAN và là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.
Khảo sát mới nhất trong Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy 74% lãnh đạo doanh nghiệp thành viên nhận định EVFTA sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian ngắn. Về dài hạn, tỷ lệ đánh giá tích cực lên đến 90%.
EVFTA có hiệu lực, nhưng "tuyến cao tốc đặc biệt" nối Việt Nam với EU chưa thể thông ngay, nếu doanh nghiệp không đổi mới và những kế hoạch cải cách thể chế chưa theo kịp.
Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV bình luận, trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung và dịch chuyển dòng vốn đầu tư hiện nay, Việt Nam có nhiều điểm lợi tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, cũng như thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng ông Lực lưu ý, dịch bệnh rất có thể làm nhiều doanh nghiệp Việt mất đi khả năng chủ động tận dụng cơ hội tham gia "tuyến cao tốc đặc biệt" này, vì bài toán tồn tại đang được thay cho các kế hoạch phát triển.
Ở khía cạnh này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng nói, EVFTA không phải tuyến cao tốc miễn phí mà doanh nghiệp Việt sẽ phải trả phí nếu muốn vào tuyến đường này.
Phí phải trả, từ phía Chính phủ là bằng cách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế, chất lượng nguồn nhân lực. Ở góc độ doanh nghiệp, "phí" là việc nâng cấp quản trị, đầu tư thay đổi nguồn cung, chuỗi sản xuất, qua đó đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Là người trực tiếp tham vấn thị trường tại EU, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại của Việt Nam tại Bỉ cho rằng, EU luôn chú trọng đến khâu hậu kiểm và không buông lỏng kiểm soát. "Doanh nghiệp đưa hàng hoá vào EU đừng nghĩ thủ tục đơn giản mà chủ quan", ông Quân chia sẻ.
Theo ông, EU cũng "rất để ý" đến hàng hoá từ những nước láng giềng của Việt Nam cũng có thể lợi dụng FTA này để xuất hàng vào châu Âu thông qua con đường "rửa xuất xứ". Nếu xảy ra trường hợp này, EU sẽ đề nghị xác minh rất nghiêm ngặt.
"Các doanh nghiệp Việt cần phải bảo vệ mình, bảo vệ thị trường và bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp tay cho bên thứ ba để hưởng lợi bất hợp pháp thì EU sẽ có những biện pháp phòng vệ và trả đũa. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp Việt, uy tín Việt Nam", Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ lưu ý.
Anh Minh