Tổ chức Fitch Ratings (Fitch) trong báo cáo vừa phát đi đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 giảm xuống còn 3,3% từ mức 7,0% năm 2019 do đại dịch Covid-19. Đây mức dự báo tăng trưởng hàng năm thấp nhất của Việt Nam kể từ giữa những năm 1980.
Dự báo này cũng là không chắc chắn và có rủi ro sẽ còn giảm thêm do phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch tại cả ở Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu chính.
Fitch dự báo xuất khẩu sẽ giảm mạnh, do nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam giảm, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc nhưng sau đó sẽ phục hồi.
Nhu cầu xuất khẩu yếu sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất. Vốn đầu tư thực hiện trong quý 1/2020 đã giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Fitch cũng dự báo cán cân thương mại sẽ chuyển sang thâm hụt nhẹ vào năm 2020, từ mức thặng dư khoảng 3,0% vào năm 2019 do xuất khẩu, du lịch và kiều hối giảm. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ trở lại thặng dư vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.
Điểm tích cực là dù hạ dự báo tăng trưởng song Fitch vẫn việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB nhưng điều chỉnh triển vọng tín nhiệm từ Tích cực sang Ổn định.
Lên tiếng về xếp hạng của Fitch, Bộ Tài chính chiều nay cho biết, việc hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam phản ánh đánh giá của tổ chức này về tác động ngày càng lan rộng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tín dụng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh xuất khẩu, du lịch và sự giảm sút của tổng cầu.
Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm việc với Fitch để đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia cuối tháng 3/2020, phía Việt Nam đã trao đổi và đưa ra những minh chứng thuyết phục về khả năng thích ứng của nền kinh tế được thể hiện rõ nét trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.
“Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thực hiện quyết liệt, hiệu quả và đã bước đầu thành công trong việc ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả này đã được Tổ chức Y tế Thế giới, chính phủ các nước cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần bồi đắp nền tảng thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch được kiểm soát”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc Fitch xác nhận giữ nguyên bậc tín nhiệm quốc gia ở mức BB phản ánh nhận định các điểm sáng về tín dụng của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm tiềm năng phát triển vững chắc trong trung hạn, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; Gánh nặng nợ Chính phủ được kiểm soát ở mức thấp và khả năng tiếp cận nguồn tài chính đối ngoại thuận lợi hơn so với các quốc gia cùng nhóm xếp hạng.
Fitch cũng dự báo đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% do nhu cầu trong nước và nước ngoài dần hồi phục theo xu hướng toàn cầu và khu vực.
Được biết, tháng qua, Fitch đã có động thái điều chỉnh đánh giá tín nhiệm tiêu cực đối với 19 nước trên toàn cầu, trong đó 12 quốc gia bị hạ bậc tín nhiệm và 7 quốc gia bị hạ triển vọng.