Có tới gần 50% doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ là con số đáng chú ý trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2018, khu vực DN FDI có 16.878 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 2,7% số DN cả nước, tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2017. Khu vực DN này thu hút 4,71 triệu lao động, chiếm 31,8% lao động trong các DN.
Đáng chú ý, trong 16.878 DN đó có 8.689 DN kinh doanh có lãi, chiếm 51,5%. Có 326 DN kinh doanh hòa vốn, chiếm 1,9% và đặc biệt có 7.863 DN kinh doanh lỗ, chiếm 46,6%.
Về nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của DN, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực DN FDI hầu hết gồm các DN có quy mô lớn, thu hút đáng kể vốn cho sản xuất kinh doanh với 7,0 triệu tỷ đồng, chiếm 18,0%, tăng 17,6% so với 2017.
Số liệu về doanh thu thuần của các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh cho thấy, năm 2018 khu vực DN FDI đạt 6,81 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8%, tổng doanh thu thuần, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2019.
Về lợi nhuận trước thuế của DN, số liệu củaTổng cục Thống kê cũng cho biết, khu vực DN FDI tạo ra lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ khu vực DN với 381,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,6%, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của khu vực DN này lại giảm 1% so với năm 2019.
Liên quan đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN FDI, báo cáo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 28/4 về hành vi trốn thuế thu nhập DN của DN FDI cho thấy, đối với thuế thu nhập DN thì tỷ lệ DN FDI kinh doanh thua lỗ cao, lên tới 46,3%.
Nghiên cứu của VEPR nhấn mạnh, theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2017/2018 của VCCI, trong giai đoạn 2011 – 2016, mặc dù nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng tỷ lệ DN kinh doanh thua lỗ trong nền kinh tế lại có xu hướng tăng cao với mức trung bình khoảng 42,3%.
Xét theo loại hình DN, tỷ lệ các DN FDI thua lỗ rất cao trong khi các DN FDI vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.