GDP xây dựng tăng trưởng gấp đôi bất động sản

GDP xây dựng tăng trưởng gấp đôi bất động sản
GDP quý IV được kéo nhờ xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, chất lượng số liệu chi tiết của hai nhóm trên cần được xem xét lại.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt 7,02% - vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6 - 6,8%. Riêng trong quý IV, GDP tăng 6,97%, thấp hơn quý III (7,48%) và 9 tháng đầu năm (7,04%). Trung tâm phân tích SSI cho rằng, sự giảm tốc của quý IV xuất phát từ nông nghiệp và công nghiệp, trong khi xây dựng và dịch vụ đã kéo tăng trưởng chung. Cụ thể, xây dựng đã tăng 10,32% và dịch vụ tăng 8,09% trong quý IV, là mức cao nhất nhiều năm.

Xây dựng tăng cao, nhưng có thực chất?

GDP xây dựng quý IV tăng cao với mức 10,3%. Là ngành có giá trị lớn thứ 4 trong nền kinh tế nên tăng trưởng của ngành xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Trung tâm phân tích SSI, số liệu từ Tổng cục Thống kê về ngành xây dựng không còn chi tiết nên không thể phân tích sâu hơn về cấu thành tăng trưởng. Tuy nhiên, số liệu tiêu thụ xi măng và sắt thép từ các Hiệp hội lại cho một bức tranh tương phản.

Cụ thể, theo Hiệp hội Thép, sản lượng tiêu thụ thép trong nước 2 tháng đầu quý IV là 3,2 triệu tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của quý II và quý III là 20% và 8,4%. Còn theo Hiệp hội Xi măng, tiêu thụ xi măng trong nước đã có dấu hiệu chững lại từ nửa cuối năm. Tiêu thụ xi măng cho thị trường nội địa năm 2019 ước tính chỉ tăng 1% so với năm 2018 (năm 2017 và 2018 tăng lần lượt 3% và 9%).

Ngành bất động sản tăng trưởng khiêm tốn

Theo thống kê, kinh doanh bất động sản quý IV tăng 4,87%, kéo cả năm tăng 4,6%, cao hơn so với năm 2018 là 4,3%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh doanh bất động sản chưa bằng một nửa so với tăng trưởng xây dựng. Thực tế thì năm 2019 khó có thể coi là một năm khởi sắc của thị trường bất động sản do các vướng mắc về thủ tục pháp lý đã làm giảm nguồn cung mới trong khi các quy định về an toàn vốn đã siết chặt hơn nguồn tín dụng cho vay bất động sản.

Du lịch dịch vụ tăng cao bất ngờ

Dịch vụ đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng trong quý IV nhờ các ngành lớn như bán buôn, bán lẻ tăng 9,82%; tài chính ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,26%; vận tải kho bãi tăng 10,86%; lưu trú ăn uống có mức tăng là 7,4%. Mặc dù đây là mức tăng trưởng ấn tượng của các ngành này nhưng theo các chuyên gia, cần xem xét kỹ độ tin cậy của một số số liệu thành phần.

Đối với ngành bán buôn, bán lẻ - đây là nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm 25%) và đứng thứ 3 trong GDP (chiếm 10%) nên sự cải thiện nhanh của nhóm ngành này cũng có những tác động tương tự ngành xây dựng.

GDP bán buôn bán lẻ tăng cao nhưng chỉ số bán lẻ (đã trừ lạm phát) vào cuối quý IV chỉ dừng lại ở 9,2%, tương đương 9 tháng và thấp hơn so với cùng kỳ là 9,4%. 

Một tín hiệu có thể coi là lạc quan trong lĩnh vực dịch vụ là sự tăng trưởng của ngành lưu trú ăn uống, tương ứng với đó là sự đi lên của du lịch. 

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã có sự cải thiện rõ nét trong nửa cuối năm nhờ sự trở lại của khách Trung Quốc. Đây là tiền đề tốt để duy trì được tăng trưởng cao khi bước sang năm 2020. Việc mở thêm các tuyến bay mới rõ ràng có kết quả tích cực đến thu hút khách Nhật bản, Đài Loan, và Thái Lan. Ngược lại, chính sách miễn thị thực với một số quốc gia Châu Âu là chưa đủ để đẩy nhanh lượng khách đến từ khu vực này.

Ngành bất động sản kỳ vọng vẫn tăng trưởng ở một số phân khúc trong năm 2020

Theo giới chuyên gia, ngành bất động sản và dịch vụ du lịch có mối quan hệ mật thiết. Sự tăng trưởng mạnh ngành dịch vụ sẽ kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản trong năm 2020.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng bất động sản trong khu vực. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc bất động sản khác nhau.

Năm 2020 phân khúc bán lẻ có nhiều cơ hội tăng trưởng do sự lạc quan của người tiêu dùng. Mức tăng vào khoảng 12%/năm bởi niềm tin của người tiêu dùng đã tốt hơn. Cùng với đó, các trung tâm thương mại sẽ là nhóm truyền thống với đóng góp đáng kể, khoảng 140.000m2 được đưa ra thị trường. Cùng với đó, khách sạn 5 sao sẽ phát triển mạnh bởi giải đua F1 là cơ hội gia tăng lượng khách tới Việt Nam trong ngắn hạn. Do đó, ngành khách sạn phải quan tâm đến câu chuyện làm thế nào để đáp ứng được nguồn cầu này.

Đặc biệt, cùng với tốc độ phát triển của ngành du lịch, các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục được tìm kiếm. Song người dân, nhà đầu tư cũng sẽ tìm đến các đơn vị quản lý có thương hiệu để đảm bảo tài sản của họ.

Ngoài ra, xu hướng M&A nở rộ khi nhu cầu từ nhà đầu tư Thái Bình Dương ngày càng lớn. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức cũng đang đến với Việt Nam cùng với dòng vốn lớn.

Tuy nhiên, không nên kỳ vọng bất động sản sẽ tăng trưởng vượt bậc, mà cần có sự điều chỉnh. Bởi tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn, có sự thanh lọc sẽ tốt hơn.

 

Tags: Bất Động Sản Xây Dưng Du Lịch Ngành Bđs Tăng Trưởng Ngành Xây Dựng Gdp Gdp Xây Dựng