Giá dầu châu Á trở lại quỹ đạo giảm trong phiên chiều 22/4

Giá dầu châu Á trở lại quỹ đạo giảm trong phiên chiều 22/4
Thị trường năng lượng tiếp tục diễn biến phức tạp khi giá dầu châu Á quay trở lại quỹ đạo giảm trong phiên giao dịch chiều 22/4, với giá dầu Brent tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Giá dầu tại thị trường châu Á quay trở lại quỹ đạo giảm trong phiên giao dịch chiều 22/4, với giá dầu Brent tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Thị trường năng lượng tiếp tục “vật lộn” với tình trạng dư cung, trong khi nhu cầu nhiên liệu sụt giảm mạnh do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chiều phiên này, vào lúc 2 giờ 11 phút giờ Việt Nam, tại thị trường Tokyo của Nhật Bản, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 giảm 2,37 USD (12%), xuống 16,96 USD/thùng. Giá dầu này có thời điểm trong phiên đã “bốc hơi” 24%, xuống còn 15,98 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 6/1999.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao cùng kỳ hạn cũng lùi 51 xu Mỹ (4,4%), xuống 11,06 USD/thùng.

Đà giảm của giá “vàng đen” trong phiên này diễn ra sau khi thị trường dầu mỏ thế giới vừa chứng kiến những ngày “lao dốc” lịch sử, khi nguồn cung dầu dường như sẽ có xu hướng “áp đảo” nhu cầu tiêu thụ trong vài tháng tới và thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không thể bù đắp cho sự dư thừa này.

Giá dầu thế giới đã mất khoảng 80% kể từ đầu năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, làm chao đảo các thị trường tài chính và đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930.

Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu giảm khoảng 30% trên toàn thế giới và các công ty năng lượng ở Mỹ, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải cạnh tranh để tìm kho dự trữ dầu dư thừa. Goldman Sachs cho rằng đây là hậu quả trực tiếp của việc đầu tư quá mức vào thời điểm xảy ra cú sốc nhu cầu đột ngột, trong bối cảnh các kho lưu trữ và hoạt động vận chuyển còn hạn chế.

Sự biến động trên thị trường dầu mỏ đã thúc đẩy CME Group, sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, tăng tỷ suất lợi nhuận đối với các hợp đồng dầu kỳ hạn.

Thượng viện Mỹ ngày 21/4 đã thông qua gói cứu trợ trị giá gần 500 tỷ USD nhằm “tiếp sức” cho nền kinh tế Mỹ và hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị người mắc COVID-19. Gói biện pháp này sẽ được gửi đến Hạ viện để thông qua vào cuối tuần này.

Báo cáo của Viện Dầu khí quốc gia Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 13,2 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 17/4, lên 500 triệu thùng. Dữ liệu chính thức về dự trữ dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ được Bộ Năng lượng Mỹ công bố trong ngày 22/4 (giờ địa phương)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tags: Giá Dầu Châu Á Giá Dầu Giá Dầu Ngọt Nhẹ Wti Thị Trường Dầu Mỏ Covid-19 Năng Lượng Sản Xuất Dầu Mỏ Khủng Hoảng Đại Suy Thoái Gói Cứu Trợ Thị Trường Năng Lượng