Ngày 20/4 (rạng sáng 21/4 giờ Việt Nam), dầu thô WTI giao tháng 5 biến động chưa từng có khi xuống âm 37,63 USD một thùng – lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới 0.
Nguyên nhân giá dầu WTI xuống âm, các chuyên gia dầu mỏ đánh giá là xuất phát từ việc giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm mạnh. Đồng thời, kho dự trữ xăng dầu của Mỹ đã quá mức.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ dầu khí và than, Bộ Công Thương cho biết, chỉ xuất hiện một số giao dịch âm và đó là dầu thô, không phải xăng dầu thành phẩm. Tại hầu hết các sàn vẫn cho thấy giao dịch trên mức 20 USD/thùng.
Ông Sơn cũng cho biết, Việt Nam khai thác và bán dầu thô, không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ, chỉ có một số nhà máy trong nước nhập dầu thô về chế biến. Giá xăng dầu Việt Nam đang nhập về bán neo theo giá dầu Brent, không phải dầu WTI.
Về lọc dầu, ông Sơn cho biết: giá đầu vào thấp thì giá đầu ra thấp. Mua lúc giá cao, bán giá thấp thì do yếu tố thị trường, thời điểm, do vấn đề kinh doanh từng doanh nghiệp.
Ông Sơn lý giải, việc xăng dầu xuống thấp chủ yếu do thị trường tiêu thụ giảm vì Covid-19. Do covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm 30-40%. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước buộc phải tìm cách thích nghi như giảm công suất, tiết kiệm chi phí…
“Các bên cần hỗ trợ cho nhau lúc khó khăn. Ông sản xuất giảm công suất giảm giá thành, người kinh doanh thì hỗ trợ tiêu thụ thay vì nhập khẩu. Quan trọng là hài hoà được lợi ích các bên", ông Sơn nói.
Còn về giá dầu giảm tác động như thế nào tới kinh tế, ông Sơn cho biết đã từng báo cáo vấn đề này, theo đó sẽ ảnh hưởng thu ngân sách. Tuy nhiên, dầu thô hiện nay cũng giảm sản lượng nên đóng góp vào ngân sách không phải quá lớn.
Liệu diễn biến giá dầu thế giới sẽ tác động đến giá xăng dầu bán lẻ ở thị trường Việt Nam như thế nào, đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm.
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng cho biết, Việt Nam không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà nhập dầu thành phẩm tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến từ thị trường Mỹ.
Theo đó, giá dầu thành phẩm tại thị trường Singapore chỉ giảm nhẹ xuống mức khoảng 25 USD/thùng. Tuy nhiên, xu hướng giảm giá chung tất cả các mặt hàng cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
Còn theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng, dù giá dầu thô chỉ rơi xuống mức âm trong vài khoảnh khắc nhưng điều này cũng cho thấy thị trường xăng dầu, nền kinh tế thế giới nói chung đang đi vào suy thoái nghiêm trọng.
Vị này cho biết sẽ kiến nghị cơ quan quản lý cho nhập khẩu xăng dầu lúc này bởi giá đang rất có lợi cho nền kinh tế hồi phục sau khi dịch Covid-19 qua đi.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, giá dầu trong nước cũng phải theo chuẩn và chắc chắn chịu tác động của giá dầu thế giới. Giá dầu thô thế giới như thế nào sẽ tác động trực tiếp đến thị trường trong nước.
Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo nguyên tắc lấy trung bình cộng của giá dầu mỗi ngày của 15 ngày trước, trên cơ sở giá dầu Brent. Do vậy tăng giảm sẽ bớt "sốc".
Theo chu kỳ điều chỉnh, ngày 28/4 tới đây sẽ tới kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh chiều 13/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh theo hướng giảm giá các loại mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 613 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 621 đồng/lít; Dầu diesel giảm 436 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 502 đồng/lít; Dầu mazut giảm 126 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có bán tối đa là 11.343 đồng/lít; Xăng RON 95 là 11.939 đồng/lít; Dầu diesel 10.823 đồng/lít; Dầu hỏa 8.639 đồng/lít; Dầu mazut 9.327 đồng/kg.
Nguyễn Mạnh