Đầu tháng 4, các thương buôn gạo trở lại ký hợp đồng xuất khẩu mới sau gần 3 tuần “án binh bất động” vì chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế hà khắc để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Ấn Độ tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 2 tuần từ ngày 4/5 do số ca nhiễm bệnh vượt 33.000 người.
“Tuy nhiên, nhiều nhà xuất khẩu không thể ký hợp đồng mới do lệnh phong tỏa toàn quốc. Họ phải đối mặt với vấn đề logistics nên giá liên tục lên cao”, một nhà xuất khẩu ở Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết.
Tại Thái Lan, giới thương lái cho biết không có hợp đồng mới nhưng thời tiết hạn hán hiện nay khiến nguồn cung hạn chế và giá gạo tiếp tục tăng. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này tăng lên 535-557 USD/tấn, từ mức 530-556 USD/tấn.
Bắt đầu từ tháng 11/2019, tình trạng hạn hán tại Thái Lan có thể kéo dài tới tháng 7. Tuy nhiên, các tỉnh trồng lúa lớn ở nước này sẽ có một số ngày mưa trong tháng 5, làm tăng kỳ vọng hạn hán sẽ sớm kết thúc. Theo một thương lái ở Bangkok, Thái Lan sẽ có lượng nước dồi dào cho vụ lúa cuối năm nay.
Trong khi đó, sản lượng gạo từ vụ hè 2020 của Bangladesh có thể tăng 0,5% so với năm ngoái lên 19,5 triệu tấn, bất chấp lo ngại lệnh phong tỏa sẽ gây ra thiếu hụt lao động cho thời kỳ thu hoạch, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết. “Nông dân tin rằng vụ lúa năm nay sẽ gặp thời tiết thuận lợi và không xuất hiện dịch bệnh lớn”, cũng theo cơ quan này.
Chi phí lao động, vận tải, lưu kho và chế biến được dự báo tăng trong thời gian tới do dịch Covid-19 bùng phát. Giá gạo nội địa cũng lên cao nhất 2 năm trong bối cảnh mọi người tích lũy gạo trong hoảng loạn.
Ngoài ra, gạo 5% tấm của Việt Nam không có báo giá vì thị trường đang trong nghỉ lễ. Tuy nhiên, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo, Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5, không phải chịu hạn ngạch xuất khẩu. Trường hợp xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực, cơ quan quản lý phải báo cáo ngay với Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp.
Thanh Long (Theo Reuters)