Giá thịt lợn tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg lên từ 80.000 - 84.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Hưng Yên, giá thịt lợn cũng tăng 1.000 đồng/kg lên 87.000 - 88.000 đồng/kg. Đây là, một trong những địa phương có giá thịt lợn cao ở miền Bắc. Khu vực có giá thịt lợn thấp nhất miền Bắc là 2 tỉnh Yên Bái, Hà Giang có nơi chỉ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Dự báo, giá lợn có thể tiếp tục tăng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá thịt lợn tăng lên 1.000 đồng/kg, phổ biến ở mức 81.000 - 86.000 đồng/kg. Thanh Hoá là tỉnh có giá thịt lợn thấp nhất khu vực có nơi vẫn đạt 78.000 - 80.000 đồng/kg.
Trong khi miền Bắc và miền Trung giá thịt lợn tăng thì miền Nam lại giảm. Giá thịt lợn tại Đồng Nai có nơi xuống còn 75.000 - 77.000 đồng/kg, Bình Phước giảm mạnh còn 73.000 - 75.000 đồng/kg. Các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM 83.000- 84.000 đồng/kg.
Bình ổn nhưng giá vẫn cao
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, các cơ quan chức năng đang kiểm soát giá thịt lợn nhưng chưa nắm trong tay lực lượng, nguồn cung ra thị trường phụ thuộc vào các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, việc bình ổn giá sẽ gặp khó khăn. Trong khi đó mặt hàng thịt lợn không phải là mặt hàng Nhà nước quản lý về giá (mặt hàng kinh doanh có điều kiện).
“Khi thịt lợn giá cao, một số siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ tuyên bố bán giá bình ổn, bán không có lợi nhuận nhưng thực tế, tại các khu vực bán thịt lợn mà tôi khảo sát thấy giá bán vẫn cao. Vấn đề là giá các siêu thị, doanh nghiệp để chỉ là một giá duy nhất, không có giá thực tế và giá bình ổn để người tiêu dùng có thể so sánh” - ông Phú nói.
Trước tình hình thiếu hụt nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp bình ổn giá thịt lợn tại thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 ở thị trường nội địa. Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương, kết quả đã có khoảng trên 50 doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam, ngoài các đối tác đã có quan hệ kinh doanh từ trước đó.
Theo thông tin từ các Thương vụ, do bệnh dịch tả lợn châu Phi, bản thân một số nước chăn nuôi chính trên thế giới cũng đang bị sụt giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2020 sẽ có xu hướng giảm 10% do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi ở các nước, trong đó Trung Quốc giảm 25%, Philippines giảm 16%, Việt Nam giảm 6%./.