Giá vàng trong nước
Tính tới 8h30 sáng 12/5, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 47,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,15 triệu đồng/lượng (bán ra), không đổi ở chiều mua vào và giảm 50 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,17 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50 ngàn đồng ở chiều mua vào và giảm 100 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 11/5.
Giá vàng thế giới
Tới 8h30 sáng 12/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.695 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.699 USD/ounce.
Đêm 11/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.703 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.707 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 32,7% (420 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 47,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 1 triệu đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới có xu hướng tăng lên bất chấp chứng khoán châu Á khởi sắc. Giới đầu tư lo ngại về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể áp dụng lãi suất âm trong thời gian tới và lo ngại về một làn sóng dịch Covid mới.
Trong vài phiên giao dịch gần đây, những tín hiệu trên thị trường tương lai đã phản ánh khả năng Fed sẽ áp dụng lãi suất âm.
Trước đó, chủ tịch Fed cho biết cơ quan này sẽ không áp dụng lãi suất âm. Và theo nhiều chuyên gia, lãi suất sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp, mà chỉ làm ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng và những người gửi tiền.
Theo kế hoạch chủ tịch Fed Powell sẽ thỏa thuận “những vấn đề kinh tế hiện tại” trên Internet vào thứ Tư tới và được kỳ vọng sẽ đẩy lùi những lời đồn thổi về lãi suất âm.
Tuy nhiên, những lo ngại về khả năng nước Mỹ áp dụng lãi suất âm đã kéo giá vàng đi lên.
Vàng tăng giá bất chấp phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á tăng trở lại khi nhiều chính phủ các nước trong khu vực nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Chứng khoán Nhật tăng lên mức cao nhất 2 tháng sau khi chính phủ nước này cho biết có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn quốc sớm hơn thời hạn đề ra trước đó là vào ngày 31/5 ở các khu vực ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tình hình dịch bệnh đã bớt u ám với nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Mỹ… đã chứng kiến tỷ lệ tử vong tiếp tục giảm.
Giới đầu tư tìm đến với các loại tài sản rủi ro trong đó có chứng khoán nhưng vẫn để mắt tới vàng như một kênh đầu tư an toàn khi mà nhiều người lo ngại về một làn sóng lây nhiễm thứ hai có dấu hiệu trở lại tại Hàn Quốc và Trung Quốc sau khi các quốc gia này mở cửa lại nền kinh tế.
Trung Quốc đã báo cáo 17 trường hợp nhiễm mới Covid-19 vào ngày 10/5, trong khi Hàn Quốc chứng kiến 34 ca nhiễm mới.
Vàng tăng giá còn do Mỹ và Trung Quốc tái khởi động một cuộc chiến thương mại.
Theo một cuộc thăm dò trên Kitco, có tới 55% chuyên gia cho rằng vàng sẽ tăng giá trong tuần này, 27% cho rằng vàng sẽ đi xuống. Còn trên Main Street, có tới 67% cho rằng vàng sẽ đi lên, 19% dự báo vàng sẽ đi xuống.
Tại châu Âu, quan hệ EU và Anh vẫn chưa được cải thiện. Vòng đàm phán thương mại thứ 3 được khởi động 11/5 được cho là không có nhiều hy vọng về một sự đột phá, nhất sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 11/5 đa số các cửa hàng vàng giữ giá vàng 9999 gần như không đổi ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch 11/5, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 47,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,20 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 47,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,27 triệu đồng/lượng (bán ra).
V. Minh