Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần (9.5), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 bật tăng 5,1%, thêm 1,19 USD, lên 24,74 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 7 cũng thêm 1,51 USD, tương đương 5,1%, lên 30,97 USD/thùng.
Như vậy, trong tuần qua, theo dữ liệu từ Dow Jones Market, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã tăng vọt 25,1%, dầu Brent tăng 17,1%.
Theo Reuters, giá dầu thô cuối tuần tăng nhờ Mỹ giảm số giàn khoan và lệnh nới lỏng phong tỏa tại một số quốc gia. Số lượng các giàn khoan dầu và khí tự nhiên của Mỹ trong tuần này đã giảm thêm 34 giàn xuống mức thấp kỷ lục 374. Số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 8 tuần liên tiếp. Song song đó, các công ty dầu Bắc Mỹ cũng thông tin tạm ngừng sản xuất với số lượng cắt giảm ước tính 1,7 triệu thùng mỗi ngày vào cuối tháng 6 này.
Ông Andrew Lipow – Chủ tịch Hiệp hội dầu Lipow tại Houston (Mỹ) cho biết, Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) đã tiến hành cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày theo cam kết và dẫn đầu là Nga. Trong khi đó, Iraq chưa có thông báo chính thức về việc giảm này. Nhiều ý kiến lo ngại có thể quốc gia Trung Đông này không thực hiện cam kết giảm sản lượng một cách nghiêm túc và đúng thời điểm. Ả Rập Xê Út sau giảm sản lượng lại tiến hành tăng giá dầu xuất khẩu.
Trong đánh giá về dầu mỏ ngày 8.5, IHS Markit cho rằng, trong quý 2 năm nay, một lượng lớn sản lượng dầu mỏ sẽ bị cắt giảm, bao gồm cả ngừng sản xuất, dự báo nhu cầu dầu trong quý 2 là 22 triệu thùng/ngày.
Ở trong nước, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) vừa có báo cáo tài chính quý I công bố lỗ hơn 530 tỉ đồng. Trước đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng cho biết lỗ tới gần 1.900 tỉ đồng. Ngày 10.5, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, giá xăng E5 RON92 dao động 10.940 - 11.150 đồng/lít, xăng RON95 11.630 - 11.860 đồng/lít, dầu diesel 9.940 - 10.130 đồng/lít và dầu hỏa 7.960 - 8.110 đồng/lít.
Nguyên Nga