Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đầu giờ sáng nay giao dịch mức 0,6 USD/thùng, tăng 38,23 USD/thùng tương đương tăng 102%. Mức thấp nhất trong phiên là -14 USD/thùng. Tuy nhiên, hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 tăng 5% lên 21,50 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 6 mất 0,04 USD còn 25,53 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (20.4), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex bốc hơi 55,90 USD, về -37,63 USD/thùng, tương đương giảm 306%. Trong phiên đã có lúc về mức thấp nhất -40,32 USD/thùng. Hợp đồng này cũng đã hết hạn vào cuối phiên ngày 20.4. Đây là phiên giảm kỷ lục nhất, có mức đóng cửa thấp nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu trên Dow Jones Market vào năm 1983. Tất nhiên không phải tất cả các hợp đồng đều về số âm. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 6 rớt 4,60 USD, tương đương 18% xuống 20,03 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent giao tháng 6 trên sàn London giảm 2,51 USD, tương đương 8,94%, còn 25,57 USD/thùng.
Theo MarketWatch, tình trạng giá xuống âm cho thấy nhà đầu tư phải trả tiền cho người mua dầu thô, phản ánh tình trạng dư cung trầm trọng. Các nhà đầu tư trong dài hạn đang bị áp lực phải đưa lượng dầu WTI (thường được vận chuyển qua đường ống dẫn) không biết đi về đâu khi không gian lưu trữ dầu ngày càng thu hẹp. Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu cho dù đã có thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày. Ngoài OPEC+ cắt giảm sản lượng, trên MarketWatch đưa tin, có khả năng hôm nay (21.4), Ủy ban Đường sắt (RRC) Texa - cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang này, có thể can thiệp nhằm hạn chế sản lượng trong khu vực. Chính phủ Mỹ có thể can thiệp bằng việc trả tiền cho các nhà sản xuất để giảm sản xuất dầu thô.
Ở trong nước, bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex ngày 21.4 không có gì thay đổi từ ngày 13.4 đến nay, theo đó, giá xăng A95 dao động 11.930 - 12.160 đồng/lít, xăng E5 11.340 - 11.560 đồng/lít, dầu diesel 10.820 - 11.030 đồng/lít, dầu hỏa 8.630 - 8.800 đồng/lít.