Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô phải dừng hoạt động. Khi dịch bệnh tạm lắng, nhu cầu đi lại của người dân cũng rất thấp nên các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần vận tải xe khách Quảng Ninh cho biết, hơn 50 đầu phương tiện của Công ty đang nằm phủ bụi.
“Dịch vụ vận tải phụ thuộc vào khách hàng, hiện nay các tổ chức và người dân đều đang hạn chế đi lại. Sau khi hết dịch việc giao thương trở lại bình thường, hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên, từ đó chúng tôi sẽ tổ chức các phương tiện phục vụ người dân và hoạt động du lịch trở lại” - ông Huyền nói.
Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên cũng rơi vào tình cảnh tương tự, từ đầu năm đến nay, gần 300 xe của công ty hầu như không có hợp đồng vận tải, kèm theo đó là rất nhiều khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp.
Hầu hết doanh nghiệp vận tải tại Quảng Ninh đều phải vay ngân hàng để đầu tư phương tiện nên có áp lực rất lớn về lãi suất và lộ trình trả nợ ngân hàng. Mặc dù Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận được sự hỗ trợ này.
Ông Đàm Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên lo lắng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ phải bán tài sản để trả nợ.
“Rất mong vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để cứu giúp doanh nghiệp thời điểm này. Cũng hy vọng tỉnh cũng sẽ có những chính sách linh hoạt đối với từng ngành nghề cụ thể, tạo nên sự giao thương lưu thông trong xã hội, đó cũng là hỗ trợ cho người lao động, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Xuyên nói.
Không chỉ gặp áp lực lớn với nguồn vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp còn phải chịu phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, phí bảo dưỡng… dù phương tiện không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Theo ông Trần Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải tỉnh Quảng Ninh, những doanh nghiệp có khoảng 300 xe thì chi phí bỏ không xe không vận hành có thể lên đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn chung, Hiệp hội đã kiến nghị các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp và đề xuất miễn giảm phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/4.
“Các doanh nghiệp vận tải bây giờ cũng đều cố gắng phải duy trì công ăn việc làm cho người lao động, cũng làm sao để đảm bảo thu nhập tối thiểu để duy trì cuộc sống, để qua cơn dịch này phải gượng dậy. Doanh nghiệp vận tải phải khắc phục bằng cách tiết kiệm các chi phí, tập trung vào chế độ chính sách an sinh cho người lao động sau dịch lại bắt tay vào làm lại" - ông Thuyết nói.
Theo thống kê, quý 1 năm 2020, sản lượng vận tải hàng hóa giảm 30%, vận tải hành khách giảm 80% so với cùng kỳ. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cũng tổng hợp, báo cáo tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải các kiến nghị của doanh nghiệp vận tải về tháo gỡ khó khăn do phải giảm, dừng hoạt động.
Cụ thể, giảm phí đường bộ, giãn nộp thuế, BHXH, hỗ trợ vay vốn tái cơ cấu các khoản vay do ảnh hưởng Covid-19, hoãn các cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch của tỉnh…
“Chúng tôi cũng đã rà soát lại các chi phí liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng. Chúng tôi cũng tập trung vào xác nhận việc xe không hoạt động để doanh nghiệp làm thủ tục miễn giảm phí bảo trì đường bộ theo quy định tại Thông tư 293 của Bộ Tài chính. Các xe không được hoạt động vận tải khách công cộng thông thường thì tạo điều kiện để họ chuyển sang hợp đồng vận chuyển công nhân, cán bộ công chức đi làm để giảm bớt một phần khó khăn cho các doanh nghiệp. Nếu các đơn vị có khó khăn về phí bãi đỗ xe thì đơn vị cũng can thiệp để hỗ trợ” - ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải hành khách đang rất cần những chính sách hỗ trợ hiệu quả và kịp thời để tiếp tục duy trì, tạo đà hoạt động hiệu quả trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, góp phần phát triển kinh tế- xã hội./.