Nguyễn Tuấn Cường cùng Võ Tuấn Bình là đồng sáng lập công ty sản xuất game Amanotes. Cường phụ trách hầu hết mảng ở Amanotes, từ tuyển dụng, đào tạo, phát triển sản phẩm, marketing. Hiện Cường đảm nhiệm vị trí Chief Product Officer, là xây dựng chiến lược, vận hành sản phẩm và tiếp thị.
Tốt nghiệp đại học Ngoại Thương và có bằng thạc sĩ ngành Sáng tạo và khởi nghiệp của Đại học Amsterdam, Hà Lan, không phải chuyên ngành liên quan tới công nghệ hay lập trình nhưng Cường đã tự tìm tòi và học hỏi để vươn lên trong lĩnh vực này. Ban đầu, công ty phát triển từ một nguồn vốn đầu tư có hạn và vừa phát triển ứng dụng vừa làm gia công sản phẩm (outsource) cho các đơn vị khác. Tuy nhiên, chỉ sau vài thành ứng dụng làm ra có doanh thu để tự nuôi bản thân. Nhờ sự thành công của các trò chơi âm nhạc, quy mô nhân sự của công ty đã tăng lên gấp đôi trong khi lượng người dùng tăng lên hơn 10 lần. Điều này cũng tăng thêm cho anh nhiều áp lực.
"Khó khăn nhất là vấn đề nhân sự. Chúng tôi không thể cạnh tranh với các công ty lớn về đãi ngộ, tiền lương. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tạo cho mội người một môi trường và không khí làm việc thoải mái, bên cạnh xây dựng văn hóa riêng của công ty gắn liền với các hoạt động âm nhạc. Vấn đề vốn đầu tư cũng cần chú ý nhưng quan trọng hơn là phải sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả", anh nói.
Amanotes xác định chiến lược lâu dài là tạo ra các sản phẩm game, ứng dụng âm nhạc chất lượng đồng thời kết nối với các đơn vị khác để hỗ trợ tạo nên một hệ sinh thái phát triển đông đảo. Mục tiêu hướng tới của công ty trong tương lai là Smule, một nhà phát triển game nổi tiếng tại Mỹ chuyên về các ứng dụng âm nhạc.
Amanotes có lượt tải toàn cầu cao thứ tư trong các công ty tại Đông Nam Á vào năm 2018, theo đánh giá của Appannie, top 15 nhà phát triển ứng dụng Android tại Mỹ. Năm 2019, Amanotes phát hành hơn 60 game âm nhạc, với hơn 600 triệu lượt tải.
Theo Cường, Amanotes được định vị là công ty công nghệ âm nhạc, nên ngoài việc giả lập game âm nhạc, họ đang phát triển thêm mảng giáo dục âm nhạc.