Ảnh Internet
Sau Tết Nguyên đán 2020, nhiều doanh nghiệp sản xuất có lượng công nhân lớn như dệt may, thủy sản… ít phải đau đầu đối phó với tình trạng công nhân nhảy việc như những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HÐQT CTCP Thương mại và đầu tư TNG cho biết, với mức lương trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều công nhân chạm mức gần 10 triệu đồng/tháng, nên TNG rất cạnh tranh trong thu hút người lao động.
“Từ 2 năm nay, gần như TNG không có biến động về nhân sự sau Tết. Ðáng chú ý, nhiều bạn trẻ đang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài còn quay về xin làm việc cho Công ty.
Với gần 16.000 lao động, hiện mỗi tháng quỹ lương của TNG lên tới cả trăm tỷ đồng”, ông Thời chia sẻ.
Tương tự, các doanh nghiệp lớn ngành thủy sản cũng không phải “vất vả” với tình trạng công nhân về quê ăn Tết không quay trở lại làm việc.
Theo giải thích của đại diện CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), nhiều công nhân đã có tư duy tìm kiếm nơi làm việc gắn bó lâu dài để đảm bảo ổn định lương thưởng và chế độ phúc lợi.
Mặt khác, khách hàng từ các nền kinh tế phát triển hiện rất chú trọng tới phát triển bền vững, trong đó chế độ đối với người lao động và tuân thủ các quy định về pháp luật lao động là các yếu tố luôn được họ rà soát kỹ khi chọn ký hợp đồng nhập khẩu, nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng chú trọng hơn đến khía cạnh này.
Dẫu vậy, vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp thâm dụng lao động trong năm 2020 là tăng năng suất.
Ông Nguyễn Văn Thời cho biết, trong 2 năm qua, TNG đặt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng 10-15%/năm và thực tế đều vượt chỉ tiêu đề ra (đạt khoảng 20%/năm), cho dù chỉ tiêu về số lượng lao động không tăng.
Theo ông Thời, nếu áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, đồng thời tăng năng lực làm việc của công nhân, thì doanh nghiệp còn có thể tăng năng suất lên cao hơn.
Ở nhiều vùng nông thôn hiện nay, việc tốc độ đô thị hóa gia tăng, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn… đã tạo dư địa chuyển dịch mạnh mẽ sang hoạt động dịch vụ và công nghiệp, từ đó cung cấp lượng lớn lao động cho các doanh nghiệp sản xuất.
Tuy nhiên, nếu không chú trọng, doanh nghiệp vẫn có thể lâm vào tình trạng bị động. Ðơn cử, nhà máy sứ của Tổng công ty Viglacera đã đi vào hoạt động từ năm ngoái, nhưng hiện chưa thể phát huy công suất như kế hoạch vì thiếu lao động.
“Lao động phía Nam không như dự báo của chúng tôi. Huy động họ làm thêm ngoài giờ, thứ Bảy, Chủ nhật không dễ”, lãnh đạo Viglacera từng chia sẻ.
Ở thị trường nhân sự trung - cao cấp, Navigos Search dự đoán, trong năm 2020, lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phát triển mạnh, nhiều tập đoàn đang đầu tư vào chuỗi khách sạn, resort… kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao để đi vào vận hành.
Do thiếu hụt nhân sự đạt chất lượng tại địa phương, nên doanh nghiệp phải thu hút nhân sự từ các thành phố lớn bằng mức lương thưởng hấp dẫn.
Ðối với lĩnh vực giáo dục, xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ, trường quốc tế và cả các công ty Việt Nam đang trong quá trình thành lập bộ máy để chuẩn bị tuyển sinh. Các vị trí đang được tuyển dụng bao gồm hiệu trưởng, giám đốc nhân sự, giám đốc tài chính…
Năm 2020, lĩnh vực công nghệ thông tin tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao, đặc biệt là các công ty gia công phần mềm (Outsourcing), với sự gia nhập thị trường của một số nhà đầu tư lớn đến từ châu Á.
Ứng viên trong ngành đang dần có nhiều sự lựa chọn hơn, dẫn đến các doanh nghiệp phải ra sức thu hút bằng lương thưởng cạnh tranh, thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn và tính chất mới mẻ, đặc biệt của công việc hoặc dự án.
Lĩnh vực bán lẻ đã xuất hiện những nhà đầu tư nước ngoài mới ở các ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống… và chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Ðà Nẵng…
Theo đó, dự đoán nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trong quý I/2020 sẽ tăng, nhất là thời điểm sau Tết.
Ðáng chú ý là các nhà đầu tư từ Trung Quốc, vốn đang trong quá trình tìm hiểu thị trường nên yêu cầu tuyển dụng vẫn chưa được địa phương hóa và phù hợp với thị trường lao động Việt.
Ðối với các doanh nghiệp này, yêu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao ngoài đáp ứng được yêu cầu chuyên môn còn cần phải thông thạo tiếng Trung.
Các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành bán lẻ đã nhận thức được sự phát triển của xu hướng e-commerce (thương mại điện tử) hoặc digital marketing (marketing số hóa) để cạnh tranh trên thị trường, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí này tăng cao, trong khi nguồn ứng viên còn hạn chế vì ngành mới phát triển.
Thùy Trang - Thủy Anh