Xử lý hiệu quả nợ xấu là một trong những điểm sáng của hệ thống ngân hàng năm 2019.
Nhiều ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC
Ðiểm sáng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), đó là sự ổn định tiếp tục được cải thiện, phản ánh một số tiến triển về giải quyết nợ xấu và lợi nhuận cao hơn.
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo hiện nằm dưới 2% vào cuối quý III/2019 (và dưới 5% nếu tính cả ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC) cho thấy, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội được triển khai giúp các tổ chức tín dụng và VAMC đẩy mạnh xử lý nợ xấu.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 năm (từ tháng 8/2017 - tháng 8/2019), mỗi tháng có 9.600 tỷ đồng nợ xấu được xử lý, cao hơn 4.700 tỷ đồng so với bình quân hàng tháng thời kỳ trước khi có Nghị quyết 42.
Cùng với đó, tình hình nợ xấu ngầm ẩn của các doanh nghiệp nhà nước và nợ ngoại bảng cũng có tiến triển khi tỷ trọng của khoản nợ này trong danh mục của các ngân hàng giảm từ 7,6% cuối năm 2016 xuống còn 3,9% cuối quý I/2019.
Sự chủ động trong thu hồi và bán tài sản thế chấp (nhà đất...), tái cơ cấu nợ nương theo biến động chu kỳ, bán nợ xấu…, góp phần đem lại kết quả tích cực trên.
Minh chứng cho hoạt động xử lý hiệu quả nợ xấu thể hiện qua việc các ngân hàng liên tiếp công bố hoàn thành tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Ðơn cử, VPBank vừa cho biết hoàn thành xử lý nợ xấu tại VAMC trước thời hạn đề ra. Ðược biết, tổng giá trị dư nợ trái phiếu được VPBank mua lại từ VAMC riêng trong năm 2019 là hơn 3.000 tỷ đồng.
Trong đó, Ngân hàng chỉ phải trích lập hơn 1.400 tỷ đồng để xử lý số dư nợ trái phiếu tại VAMC nói trên, tương đương khoảng 45%.
Tỷ lệ này được đánh giá gần như tốt nhất trong số các ngân hàng đã hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC.
“Kế hoạch xử lý rốt ráo phần trái phiếu đặc biệt này đã đưa tỷ lệ nợ xấu bao gồm dư nợ tại VAMC của VPBank từ mức 5,73% tại quý III/2018 giảm còn 2,84% vào cùng kỳ năm 2019, giúp Ngân hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí dự phòng ở hoạt động này trong thời gian tới.
Việc xử lý dứt điểm trái phiếu tại VAMC đã thể hiện quyết tâm cải thiện chất lượng tài sản của Ban lãnh đạo Ngân hàng, qua đó tạo động lực bền vững cho tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo”, một lãnh đạo cao cấp VPBank chia sẻ.
Tương tự, Agribank cũng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Theo đó, đến nay, kết quả thu hồi và xử lý nợ xấu của Agribank đạt gần 110.000 tỷ đồng.
Agribank đã mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán từ VAMC. Xử lý nợ xấu hiệu quả, cùng với kiểm soát chất lượng tín dụng góp phần tích cực nâng cao năng lực tài chính của Agribank, tạo đà tăng trưởng cho các năm tiếp theo.
VND: Ðồng tiền ổn định nhất khu vực
Ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho biết, năm 2019, đồng Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực, bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Cặp tỷ giá USD/VND gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của năm, thậm chí có thời điểm VND đã tăng giá so với USD khi NHNN chủ động hạ giá mua vào ngày cuối tháng 11.
“Ðáng lưu ý, trong bối cảnh thị trường toàn cầu chứng kiến nhiều biến động, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung có nhiều diễn biến khó lường khiến đồng nhân dân tệ mất giá xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua, nhưng tiền đồng vẫn giữ được xu hướng ổn định.
Ðiều này càng rõ nét hơn khi Trung Quốc là 1 trong 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam”, ông Khoa nói.
WB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện quản lý tỷ giá theo cơ chế thị trường, coi đây là công cụ chính để hấp thụ tác động của những biến động bên ngoài đối với nền kinh tế trong nước.
Mặt khác, dù tiếp tục duy trì cơ chế neo tỷ giá linh hoạt, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định tỷ giá tham chiếu hàng ngày cho phù hợp với diễn biến thị trường, thay vì phá giá một lần sau một khoảng thời gian như cách làm trước đây.
VND mất giá nhẹ so với USD (danh nghĩa) trong 12 tháng qua, song tỷ giá thực hiệu lực (REER) đã tăng khoảng 2,8% kể từ tháng 1/2019 và 4% kể từ tháng 1/2015.
VND tăng giá thực là do thị trường phản ứng với thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam, nhưng cũng tạo ra tác động bất lợi về năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam về lâu dài.
Việt Nam đứng đầu ASEAN về thu hút vốn đầu tư vào Fintech
Báo cáo “Fintech tại khu vực ASEAN” do UOB, PwC và Hiệp hội FinTech Singapore (SFA) ghi nhận, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực đầu tư vào Fintech trong năm 2019, chiếm 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực ASEAN, so với mức 0,4% vào năm 2018.
Báo cáo cũng cho thấy, việc tập trung vào các giải pháp thanh toán là xu hướng phổ biến ở các nước đang trong giai đoạn đầu của Fintech.
Sự tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực này của Việt Nam một phần nhờ nỗ lực của Chính phủ trong việc chuyển hướng sang thanh toán di động, cũng như ủng hộ phát triển Fintech thông qua những hoạt động như Ngày hội Fintech Việt Nam (FCV).
Thực tế hiện nay, thẻ ngân hàng đã và đang trở thành phương tiện thanh toán được người dân Việt Nam sử dụng phổ biến, được các ngân hàng chú trọng phát triển, tăng cường tính năng, tiện ích sử dụng và đạt tốc độ tăng trưởng cao (trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018).
Tính đến cuối tháng 9/2019, số lượng thẻ lưu hành trên cả nước đạt trên 96,4 triệu thẻ, với 56 tổ chức phát hành và nhiều thương hiệu thẻ khác nhau, trong đó thẻ ghi nợ nội địa tiếp tục chiếm tỷ lệ áp đảo trên 90% tổng lượng thẻ lưu hành.
Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng đầu tư, mở rộng với trên 18.900 cây ATM và trên 275.600 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt.
Hạ tầng và dịch vụ thẻ phát triển mạnh mẽ giúp gia tăng đáng kể số lượng khách hàng và tài khoản ngân hàng, làm cơ sở để thúc đẩy các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đi kèm như ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking…, đáp ứng được nhu cầu thanh toán ngày càng cao của khách hàng, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, phù hợp với xu thế thanh toán trong khu vực và trên thế giới.
Những thách thức
Theo ông Ngô Ðăng Khoa, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tỷ giá của Mỹ là một tín hiệu đáng lo ngại.
Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng do tác động từ việc sụt giảm nhu cầu toàn cầu, nên nguồn thu từ xuất khẩu có thể sẽ không còn được tích cực như trong năm nay.
Cùng với đó, xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới liên tục biến động.
Các chuyên gia WB cho rằng, tỷ lệ vốn hóa thấp ở hệ thống ngân hàng vẫn là một thách thức, bởi đến cuối năm 2019, mới có 17/45 ngân hàng đang hoạt động ở Việt Nam báo cáo có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tuân thủ các yêu cầu của Basel II (căn cứ vào Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn và Thông tư 23/2018 về kiểm toán nội bộ).
Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ ở các ngân hàng thương mại vẫn gặp phải những thách thức cố hữu như trần sở hữu của nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cao của Nhà nước hoặc tỷ lệ tài sản quá lớn ở các ngành rủi ro cao.
“Mặc dù Việt Nam đứng đầu ASEAN về thu hút vốn đầu tư vào giải pháp thanh toán trong lĩnh vực Fintech, nhưng thị trường vẫn trông đợi cơ quan quản lý sớm ban hành hành lang pháp lý mở.
Ðặc biệt, cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cần sớm được triển khai để các doanh nghiệp có nơi thử nghiệm sử dụng dịch vụ mới”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.
Nhuệ Mẫn