Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), tình hình người lao động ngừng việc tập thể năm 2019 tiếp tục giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018.
Nguyên nhân do doanh nghiệp quan tâm, chăm lo tốt hơn cho người lao động. Đồng thời, công đoàn cơ sở phát huy tốt vai trò đại diện người lao động trong đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
“Bên cạnh đó, công đoàn còn tham gia giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề xuất của người lao động trước khi ngừng việc tập thể xảy ra. Đặc biệt, những vụ ngừng việc có diễn biến phức tạp, kéo dài...” - ông Vũ Mạnh Tiêm thông tin.
Về tiền lương của người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khẳng định năm 2019 thu nhập bình quân của người lao động tăng 17% so với năm 2018. Nguyên nhân do điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và lương cơ sở.
Tuy nhiên, tình trạng nợ lương, trốn đóng, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. “Đặc biệt gần đây hiện tượng cho vay, cầm cố, mua lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội…” - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đánh giá.
Về mức thưởng tết 2020 cho người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, khẳng định hầu hết các doanh nghiệp đều có mức thưởng tết trung bình một tháng lương cho người lao động.
“Hiện quy định pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng tết cho người lao động. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có tiền thưởng cho người lao động thì chắc chắn gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2020…” - ông Quảng nhận định.