Theo lãnh đạo Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực sản xuất các thiết bị bảo hộ phòng chống dịch COVID-19; trong đó có các loại khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn, kể cả khẩu trang y tế.
Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu mặt hàng khẩu trang y tế đang gặp khó dù năng lực sản xuất dư thừa.
Tồn kho hơn 20 triệu khẩu trang
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết tính đến ngày 15/4, tập đoàn đã cung ứng thị trường trong nước khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch bệnh trong nước.
Vừa qua, tập đoàn đã đưa ra thị trường sản phẩm mới khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế theo Quyết định số 870 và đang xúc tiến xuất khẩu mặt hàng này sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt.
“Ở thời điểm hiện tại, đây là một trong các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may duy trì việc làm cho người lao động, chờ dịch bệnh qua đi để khôi phục lại sản xuất, chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm,” ông Hiếu nói.
Còn theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục công nghiệp, công tác bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang kháng giọt bắn cho nhu cầu sử dụng phòng, chống dịch của người dân thời gian qua được các doanh nghiệp dệt may thực hiện rất tốt.
Về cơ bản các doanh nghiệp trong nước đã chủ động sản xuất và đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu trong nước và đủ năng lực để sản xuất phục vụ xuất khẩu.
“Cho đến nay, năng lực cung ứng khẩu trang vải đã lên tới trên 11 triệu chiếc/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang vải phòng chống dịch bệnh và phục vụ cho xuất khẩu,” ông Hoài nói.
Báo cáo của Cục công nghiệp cho thấy hiện đã có hơn 37 triệu chiếc khẩu trang vải các loại được xuất khẩu thành công, song cũng đang tồn kho hơn 20 triệu chiếc khẩu trang vải các loại, gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may.
Vì vậy, nhằm hỗ trợ đầu ra với các loại khẩu trang vải, theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ thị trường nước ngoài, Thương vụ cũng như Cục xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại cần tăng cường chia sẻ, giới thiệu thông tin để các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có thể tiêu thụ các sản phẩm còn tồn kho.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay đó là năng lực sản xuất khẩu trang y tế của các doanh nghiệp trong ngành y tế rất lớn, khả năng sản xuất hàng chục triệu khẩu trang/ngày và là mặt hàng xuất khẩu có lợi thế lúc này. Thế nhưng, việc mua dự trữ lại chưa đủ.
"Vướng mắc là trong 60 triệu chiếc khẩu trang cần mua dự trữ thì hiện mới mua được khoảng 46 triệu chiếc, còn 14 triệu chiếc nữa chưa mua đủ," ông Hoài thông tin đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần có phương án tháo gỡ để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.
"Không vì vướng mắc trong việc mua 14 triệu chiếc khẩu trang dự trữ này mà gây ách tắc cho việc xuất khẩu các khẩu trang còn lại," ông Hoài nhấn mạnh.
Khơi thông để đẩy mạnh xuất khẩu
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/4, Thủ tướng quyết định gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu khẩu trang y tế theo Nghị quyết 20 của Chính phủ.
Ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh đây là quyết định rất hợp lý giúp hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may hiện tại có thêm giải pháp xuất khẩu khi không có đơn hàng may mặc trong khi nhu cầu khẩu trang của các nước trên thế giới vẫn còn lớn.
Với định hướng trên, theo ông Cao Hữu Hiếu, Vinatex cam kết ưu tiên đảm bảo nhu cầu khẩu trang phòng chống dịch trong nước. Mặt khác, năng lực sản xuất khẩu trang toàn tập đoàn có thể đạt 90-100 triệu chiếc/tháng để đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu lớn (nếu có).
“Trên thực tế xuất khẩu sang châu Âu hay Mỹ nhiều khách hàng yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn như CE, tức là nhà sản xuất tuyên bố chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với sản phẩm của họ về mọi mặt pháp lý…, hay FDA là chứng nhận cho thực phẩm, do đó các doanh nghiệp cũng cần căn cứ tình hình thực tế để quyết định vì thủ tục lấy các chứng nhận trên sẽ tốn thêm chi phí và có độ trễ về thời gian,” ông Hiếu kiến nghị thêm.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý hiện các thị trường mới cho sản phẩm, vật phẩm y tế là rất lớn. Đặc biệt với các mặt hàng đồ bảo hộ, phòng dịch, nhu cầu tại các thị trường Mỹ, EU đang rất cao.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Cục công nghiệp cần khảo sát năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để xây dựng chiến lược tiếp cận với các thị trường. Từ đó, không chỉ mở rộng thị trường thông qua phát triển sản xuất của các doanh nghiệp mà còn tạo dựng được năng lực cạnh tranh của chúng ta trong chuỗi cung ứng mới./.
Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương đã cung cấp và liên tục cập nhật danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước và danh sách các điểm bán khẩu trang tại các hệ thống phân phối trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương và Chuyên trang hành động phòng chống dịch bệnh COVID-19 của bộ./.
Đức Duy