Vốn là người thợ trẻ có tay nghề với một xưởng mộc nhỏ, anh Phan Thế Lực (thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) bất ngờ rẽ ngang làm nông nghiệp. Bằng sự mạnh dạn của người trẻ và tinh thần ham học hỏi, hành trình khởi nghiệp của anh bắt đầu từ dế mèn.
Gặp anh Phan Thế Lực ở trang trại của mình khi đang chuẩn bị cho dế mèn ăn, anh hồ hởi chia sẻ, ngày trước, sau những lúc miệt mài với từng thớ gỗ trong xưởng mộc, rảnh rỗi anh lại tìm đọc sách và các tài liệu qua Internet. Và bao giờ cũng vậy, các thông tin về giống cây trồng, những mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với anh.
Một lần tình cờ, khi được xem chương trình giới thiệu về mô hình nuôi dế mèn Thái, anh Lực gần như bị cuốn hút hoàn toàn. Nhìn những bọc trứng dế nhỏ trắng như hạt cát nở ra thành hàng nghìn con dế nhỏ, anh bắt đầu tò mò, tìm hiểu và theo đuổi đam mê.
Năm 2018, sau khi tìm được nguồn giống uy tín từ Trang trại côn trùng Thường Tín, Hà Nội, anh Lực đầu tư hệ thống ô nuôi và bắt đầu triển khai nuôi dế mèn Thái. Trên khoảng đất trống ở vườn nhà, với nguồn vốn khởi nghiệp vẻn vẹn 6 triệu đồng, anh bắt tay đóng các ô gỗ, phía trên có lưới che thông thoáng để nuôi dế.
Thời gian đầu thử nghiệm, do còn lạ lẫm, chưa am hiểu nhiều về đặc tính của loài dế cũng như quy cách chuồng trại, kỹ thuật nên dế giống bị chết khá nhiều. Không nản lòng, anh tiếp tục học hỏi, linh hoạt trong quá trình áp dụng và nuôi thành công.
Đến nay, với tổng cộng 11 ô nuôi, bình quân mỗi kỳ thu hoạch (1 tháng rưỡi đến 2 tháng), anh Lực thu về trên 1 tạ dế thương phẩm. Với giá bán từ 150.000-200.000 đồng/kg dế sơ chế đông lạnh, mô hình nuôi dế mèn Thái đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Cũng theo anh Lực, dế mèn ăn rất khỏe, thức ăn chủ yếu là rau, củ, quả các loại, đặc biệt là các loại rau lá dày, ngọt, mềm và nhiều nước, như: bí ngô, khoai lang, rau muống... Chi phí đầu tư ban đầu để nuôi dế Thái không cao, công chăm sóc lại ít. Thông thường mỗi ngày, người nuôi dế chỉ cần dành ra khoảng thời gian chưa đầy 2 tiếng, chủ yếu là để vệ sinh và sơ chế rau cho dế ăn. Ngoài các yếu tố về kỹ thuật và chu kỳ sinh trưởng, người nuôi dế mèn cần lưu ý giữ cho môi trường nuôi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát.
Dế mèn Thái hiện là loại thực phẩm được thị trường ưa chuộng bởi giàu giá trị dinh dưỡng và sạch ngay từ đầu vào. Từ dế có thể chế biến được nhiều món ăn khác nhau, như: dế chiên giòn, dế nướng, dế chiên bột, dế rang muối ớt, kho tiêu, hay chiên bơ… Để các món ăn từ dế được ngon thì khâu sơ chế cũng phải rất cầu kỳ. Dế nhịn ăn 2 ngày để thải các chất không tốt ra khỏi cơ thể, sau đó được cho ăn mía để sạch ruột rồi lại cho nhịn ăn thêm 1 ngày nữa trước khi đem rửa sạch bằng nước muối và bảo quản, chế biến.
Sau thành công bước đầu của mô hình nuôi dế, anh Lực tiếp tục nghiên cứu nuôi rắn mối, bọ cạp theo mô hình khép kín. Những con dế không đạt yêu cầu chế biến sẽ được anh dùng làm thức ăn nuôi rắn mối, tắc kè; phân dế được dùng để bón cho cây trồng. Đến nay, trên diện tích đất hơn 1ha, anh Lực đã phát triển mô hình trang trại khép kín với trên 1.500 con rắn mối, 500 con bọ cạp và 100 con tắc kè. Và điều đáng mừng là tất cả các sản phẩm chăn nuôi trong trang trại của anh Phan Thế Lực, từ dế mèn đến rắn mối, tắc kè… đều được các trang trại uy tín ở Hà Nội ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Điểm đặc biệt của mô hình nuôi dế mèn Thái đó chính là đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế rất cao và không gây ô nhiễm môi trường. “Trước mắt, gia đình tôi dự định sẽ mở thêm khoảng 30 ô nuôi để vừa cung cấp dế thương phẩm ra thị trường, vừa làm nguồn thức ăn cho các loài nuôi khác trong trang trại. Khi đó, chủng loại nuôi không chỉ riêng dế mà còn mở rộng ra các loài khác, như: cà cuỗng, bọ cạp…”, anh Phan Thế Lực chia sẻ thêm.