Quang cảnh buổi tập huấn
Khai giảng lớp tập huấn, bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - cho biết, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có liệu lực từ ngày 01/7/2022. Đây là luật quan trọng, có ảnh hưởng tới nội dung kiểm toán thuế của KTNN. Vì vậy, KTNN tổ chức phổ biến những nội dung mới của Luật này nhằm hỗ trợ công tác kiểm toán thuế.
Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đề nghị các học viên nghiêm túc, tích cực trao đổi với Báo cáo viên để làm rõ các nội dung mới cũng như chia sẻ kinh nghiệm để góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán thuế.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết, sau hơn 10 năm triển khai, việc thi hành Luật Quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, bất cập, như: thiếu thống nhất về công tác quản lý thuế; phạm vi điều chỉnh của Luật chưa quy định đầy đủ dẫn đến việc chưa bao quát nguồn thu để phục vụ việc mở rộng cơ sở thuế; công tác quản lý thuế chưa theo kịp thực tiễn giao dịch thương mại điện tử và dịch vụ toàn cầu, chưa hỗ trợ tốt cho mục tiêu hiện đại hóa cơ quan quản lý thuế; một số quy định nguyên tắc quản lý thuế, quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế chưa được quy định đầy đủ…
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được xây dựng với mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam; quản lý thuế rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 152 điều với nhiều nội dung thay đổi. Bà Cúc đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN tại Điều 21 của Luật này. Theo đó, KTNN thực hiện kiểm toán hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiến nghị của KTNN liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế được quy định như sau: Trường hợp KTNN trực tiếp kiểm toán người nộp thuế theo quy định của Luật KTNN có nội dung kiến nghị về nghĩa vụ nộp NSNN thì KTNN phải gửi biên bản hoặc báo cáo kiểm toán cho người nộp thuế và người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị theo báo cáo kiểm toán của KTNN. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của KTNN thì người nộp thuế có quyền khiếu nại kiến nghị của KTNN. Trường hợp KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế có nội dung kiến nghị nêu trong báo cáo kiểm toán liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì KTNN gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để thực hiện. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiến nghị của KTNN. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp thì người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế, KTNN xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, KTNN chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Tại buổi tập huấn, bà Cúc cũng đã giới thiệu và phân tích rõ các điều, khoản mới của Luật Quản lý thuế (sửa đổi), như: nguyên tắc quản lý thuế; đồng tiền khai thuế, nộp thuế; giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; quản lý rủi ro trong quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc quản lý thuế; quyền của người nộp thuế; trách nhiệm của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, thanh tra nhà nước, ngân hàng thương mại; nguyên tắc khai thuế, tính thuế; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; khai bổ sung hồ sơ khai thuế; thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế; miễn thuế, giảm thuế; các trường hợp được khoanh tiền thuế; hóa đơn điện tử...
Ngọc Bích