Kiểm toán tham gia sâu, dự án PPP sẽ khó thu hút nhà đầu tư

Kiểm toán tham gia sâu, dự án PPP sẽ khó thu hút nhà đầu tư
Việc kiểm toán Nhà nước tham gia 4 khâu, theo nhiều ý kiến tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội, là "quá chặt, khiến nhà đầu tư PPP phát hoảng". 

 

Sáng 20/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần hai dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Điểm mới tại dự thảo luật chỉnh lý lần này là quy định rõ sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước vào 4 giai đoạn triển khai dự án PPP. Một là, kiểm toán tuân thủ quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Hai là, kiểm toán sử dụng vốn Nhà nước bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có). Ba là, kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả dự án. Cuối cùng, kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi chuyển giao cho Nhà nước. 

Vì dự án PPP cũng là tài sản công nên Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng Kiểm toán Nhà nước tham gia kiểm toán dự án này hoàn toàn hợp lý. Nhưng ông lưu ý, quy định quá chặt khi kiểm toán tận 4 khâu thực hiện dự án sẽ khiến "nhà đầu tư phát hoảng, chỉ cân nhắc xem kiểm toán khâu nào cho phù hợp".

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nói ông rất băn khoăn "vì quy định kiểm toán dự án PPP quá chặt, phức tạp, nhà đầu tư sẽ phân vân". 


Về tỷ lệ chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉnh lý lần này dự thảo luật đã quy định rõ, chặt hơn với hướng tiếp cận cơ chế chia sẻ rủi ro phần tăng, giảm doanh thu theo tỷ lệ 50-50. 

Bình luận về tỷ lệ này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng đã "thể hiện sự bình đẳng với nhà đầu tư tư nhân". "PPP là đan xen sở hữu, cần cởi mở, nếu quy định chặt quá thì tư nhân không dám làm", bà Phóng nói.

Cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, rủi ro chỉ được chia sẻ với điều kiện dự án bị tác động khi Nhà nước thay đổi chính sách, tức là lỗi thuộc về Nhà nước. 

Giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều kiện chia sẻ rủi ro đã được thiết kế chặt chẽ hơn. Khi thực tế chỉ đạt dưới 75% trong phương án tài chính, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Còn nếu doanh thu thực tế từ 125% trở lên, Nhà nước sẽ xem xét yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.

Nhưng Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, quy định như vậy là quá chặt sẽ "không nhiều nhà đầu tư làm được". Ông đề nghị luật thiết kế thêm điều khoản về trách nhiệm rõ ràng giữa nhà đầu tư, Nhà nước. Ví dụ, quy định trách nhiệm của Nhà nước trong thanh toán hợp đồng, tránh tình trạng vừa qua nhà đầu tư làm xong dự án, lúc đề nghị thanh toán thì như phải đi xin.

Theo chương trình, dự thảo Luật PPP sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5. 

Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ 20-28/4 sẽ thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); phân bổ, sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019; báo cáo Chính phủ về thực hành tiết kiện, chống lãng phí năm 2019; cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù của Thủ đô.

Ngoài ra, cơ quan thường trực Quốc hội sẽ cho ý kiến việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) vào ngày cuối cùng của phiên họp, 28/4.

Tags: Luật Đầu Tư Chính Phủ