Nguyên nhân là tại thời điểm xây dựng Nghị định 83/2014/NĐ-CP, cơ cấu
về nguồn chủ yếu là xăng dầu nhập khẩu, khoảng 70%; sản lượng xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thu điều tiết và có giá bán tương đương xăng dầu nhập khẩu.
Do đó, việc xây dựng công thức tính giá cơ sở xăng dầu được hình thành trên các yếu tố chi phí tương ứng với nguồn nhập khẩu là phù hợp. Tuy nhiên đến nay, cơ cấu nguồn cung thay đổi, số lượng doanh nghiệp đầu mối tăng, đồng thời Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại FTAs... do vậy, cần thiết phải rà soát để sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn trong nước và nhập khẩu; xác định mức thuế nhập khẩu phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá, nhằm kết cấu lại một mặt bằng giá chung làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đề xuất rà soát và thay đổi tên gọi, điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối cho phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi hiện nay quy mô sản xuất xăng dầu trong nước chiếm 70% - 75% tổng nguồn cung cho thị trường trong nước. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chủ yếu mua từ nguồn sản xuất trong nước.
Dự kiến, nội dung này sẽ được điều chỉnh theo hướng đổi tên thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thành thương nhân đầu mối xăng dầu, bao gồm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.
Ngoài ra, để bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công thương đề nghị cần xem xét quy định việc dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu.
Liên quan đến tình hình nhập khẩu, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu xăng dầu các loại 11 tháng đầu năm 2019 giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2018, với mức giảm tương ứng 17,2%, 25,4% và 9,9%, đạt 8,86 triệu tấn, trị giá 5,4 tỷ USD, giá trung bình 609,7 USD/tấn.
Lạc Phong