Kinh tế Trung Quốc chưa thoát thương chiến lại lao đao vì virus lạ

Kinh tế Trung Quốc chưa thoát thương chiến lại lao đao vì virus lạ
Giới quan sát nhận định nền kinh tế Trung Quốc - với tăng trưởng sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 29 năm qua vì thương chiến - sẽ càng gặp nhiều khó khăn vì dịch viêm phổi lạ.

 

Theo Reuters, giới phân tích quốc tế cảnh báo dịch viêm phổi do loại virus corona lạ gây - tương tự dịch SARS trước đây - ra có thể giáng cú đòn mạnh vào các ngành công nghiệp du lịch và bán lẻ của Trung Quốc trong thời gian tới.

Ngày 19/1, chính quyền Trung Quốc thừa nhận đến nay đã có 198 ca nhiễm bệnh viêm phổi lạ ở nước này. Ngoài "tâm chấn" Vũ Hán, nhà chức trách phát hiện một trường hợp lây nhiễm ở Thượng Hải.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các chuyên gia y tế phát hiện bằng chứng cho thấy bệnh viêm phổi lạ này có thể lây lan từ người sang người một cách hạn chế.

WHO xác định bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc có thể lây lan từ người sang người một cách hạn chế. Ảnh: AP.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Imperial College (London, Anh), số lượng người mắc bệnh tại Trung Quốc có thể lên tới 1.723 chỉ riêng ở Vũ Hán, tính đến ngày 12/1.

Dịch bệnh bùng phát đúng dịp Tết Nguyên đán. Ước tính người dân Trung Quốc thực hiện khoảng 3 tỷ lượt di chuyển trong quãng thời gian này. Do đó, khả năng dịch bệnh lây lan trên quy mô rộng là rất lớn.

Năm 2003, dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc và lan ra toàn thế giới, cướp đi sinh mạng của 774 người. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại nặng nề. Lượng du khách nước ngoài sụt giảm, người dân trong nước hạn chế mua sắm, ăn uống và giải trí.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Bắc Kinh, dịch SARS đã khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại khoảng 25,3 tỷ USD trong năm 2003.

Một siêu thị phải đóng cửa ở Vũ Hán do dịch bệnh viêm phổi lạ. Ảnh: AFP

Japan Times dẫn lời nhà nghiên cứu Yusuke Miura thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho ở Tokyo nhận định dịch viêm phổi lạ là mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm này.

"Số lượng du khách nước ngoài tới Trung Quốc sụt giảm sẽ làm ngành công nghiệp du lịch tổn thương trầm trọng. Người dân địa phương cũng tránh đến các nơi đông đúc như trung tâm mua sắm, khiến tiêu dùng tụt dốc", chuyên gia Miura nói.

GDP Trung Quốc năm 2019 chỉ tăng 6,1%, mức thấp nhất trong vòng 29 năm qua, một phần do thương chiến Mỹ - Trung khiến xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm mạnh. Cuộc khủng hoảng thịt lợn cũng khiến giá cả ở Trung Quốc leo thang.

An Chi

Tags: Kinh Tế Trung Quốc Tổn Thương Vì Bệnh Viêm Phổi Lạ Bệnh Viêm Phổi Lạ Sars Kinh Tế Trung Quốc