Kỳ vọng start up đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Kỳ vọng start up đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Nông nghiệp công nghệ cao đang được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hướng đến. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thành công.

Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, để thành công trong đầu tư cần nhiều yếu tố, ví như vốn, nhân sự hoặc đối tượng khách hàng. Với công nghệ cao cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Diễn đàn doanh nghiệp đã có buổi trò truyện với ông Trần Quang Cường, CEO Nông nghiệp thông minh Next Farm.

- Thưa ông, thực trạng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay gặp những khó khăn gì, giải pháp nào để khắc phục? 

Hiện nay, khó khăn trong đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đó là môi trường. Thực tế, Việt Nam vẫn thiếu quá nhiều các yếu tố để có thẻ phát triển được sáng tạo. Ví dụ, về sở hữu trí tuệ dù luật đã có nhưng không được thực thi triệt để khiến vi phạm tràn lan. Ngoài ra, để đổi mới sáng tạo nhưng lại thiếu vốn, khiến chi phí dồn vào R&D không đủ lớn. Do không đủ lớn thì rất khó để có thể đưa được chất xám vào trong khởi nghiệp sáng tạo.

Thường thì có 2 giải pháp gọi là khởi nghiệp sáng tạo. Thứ nhất, khởi nghiệp sáng tạo theo công nghệ có tính “disruptive technology”. Theo vấn đề này thì phải R&D rất lớn, có nhân sự rất tài năng và tốt nhất phải đặt ở những nơi có nền khoa học cơ bản phát triển, hợp nhất có lẽ là Sillicon Valley, còn ở Việt Nam khá khó khăn. Thứ hai, khởi nghiệp sáng tạo theo kiểu mô hình kinh doanh, sáng tạo ra một mô hình kinh doanh khác biệt so với các sản phẩm trước hoặc sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vấn đề này thì công nghệ sẽ dễ hơn, không phải là kiểu disruptive như Google, Facebook… Có thể nói Nextfarm chúng tôi thuộc nhóm này, phù hợp với đặc trưng như Việt Nam mình.


Ông Trần Quang Cường, CEO Nông nghiệp thông minh Next Farm

- Theo ông, bệ phóng nào hiệu quả để phát triển start up đổi mới sáng tạo?

Bệ phóng hiệu quả nhất để phát triến startup đổi mới sáng tạo là con người. Theo tôi, dù là startup đổi mới sáng tạo chủ đạo theo công nghệ hay mô hình kinh doanh thì tôi đánh giá con người luôn là quan trọng nhất. Yếu tố tiếp theo mới là vốn. Tôi cũng rất mong muốn là Việt Nam có chính sách mà hỗ trợ các startup vay vốn tín chấp, nhưng startup theo định hướng công nghệ của chính phủ. Những ngành chính phủ cần đẩy mũi nhọn, chỉ cần hỗ trợ startup vay một khoản nhỏ, chỉ cần 10% thành công, lực đẩy cho nền kinh tế sẽ rất lớn. Đây cũng là chính sách mà Tổng thống Park Chung Hee của Hàn Quốc áp dụng trong thời kỳ bước nhảy vọt kinh tế của Hàn Quốc.

- Cách xây dựng thương hiệu cho start up đổi mới sáng tạo nói chung và startup công nghệ nông nghiệp nói riêng, thưa ông?

Startup nói chung thì tùy thuộc vào đánh giá độ thành công đến từ yếu tố nào? Yếu tố công nghệ đột phá, hay mô hình kinh doanh hay thuần hẳn về sản phẩm. Ví như nông nghiệp thông minh thì quan điểm của Nextfarm là tập trung vào sản phẩm, làm một sản phẩm tốt, tới tầm, thật sâu, cải tiến và để ý đến từng chi tiết là hướng đi làm thị trường cho nông nghiệp. Đặc thù của nông nghiệp là truyền miệng rất lớn, nếu sản phẩm đủ tốt, khách hàng cảm nhận mình rất mong muốn làm sản phẩm tốt, rất cầu thị trong cách làm sản phẩm thì họ sẽ đi theo mình, thậm chí còn lấy các sản phẩm, tài liệu từ nước ngoài cho mình mình làm. Lúc đó khách hàng luôn cảm nhận Nextfarm là sản phẩm của họ, chứ không riêng gì của đội ngũ Nextfarm. Với khách đã dùng Nextfarm, đa số đều mua tiếp sản phẩm cho lần sau hoặc giới thiệu đối tác của họ. Điều này còn hay hơn cả đội ngũ tư vấn của Nextfarm giới thiệu. Điển hình là việc tăng trưởng 100% hàng Quý trong năm 2019 và nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng như giờ thì chỉ cần đến hết Quý 2/2020 thì Nextfarm sẽ có một số dòng sản phẩm có thị phần dẫn đầu, trên cả thị phần một số các công ty nước ngoài gần như là độc quyền trong mảng tự động hóa cho nông nghiệp suốt 10 năm qua.

- Theo ông, trở ngại lớn nhất của một start up trong quá trình làm Marketing, thâm nhập và mở rộng thị trường là gì?

Theo tôi, trở ngại của startup trong quá trình làm marketing là hiểu rõ ai là khách hàng của mình, nhưng nó không giống bán một sản phẩm đã có thị trường rồi, hay cải tiến một sản phẩm để thay thế sản phẩm cũ là chân dung khách hàng đã rất rõ. Còn với startup, đa số đều phải khơi thị trường, mà khơi thị trường thì việc tìm ra chân dung khách hàng phải cần cả sự tích lũy “knowhow” cảm nhận khách hàng thị trường mới tìm ra được. Khi đã tìm ra chân dung khách hàng thì mọi việc trở lên đơn giản hơn rất nhiều.


Nông nghiệp thông minh Next Farm

- Kỳ vọng nào cho start up đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp công nghệ cao, thưa ông?

Cũng giống như việc Nextfarm chúng tôi khi trao đổi với các đối tác nước ngoài như Jetro, Ngân hàng Quốc tế ADP thì có lẽ phải định nghĩa lại về Nông nghiệp Công nghệ cao, có lẽ từ này với tôi là định nghĩa rất dễ làm sai lệch. Chúng ta có lẽ nên thay nông nghiệp công nghệ cao thay bằng nông nghiệp hiệu quả cao.

Chúng tôi đi khảo sát, thấy rất nhiều các thất bại của các nông trại mới mở hay từ những anh em tay ngang sang. Bởi họ luôn cho rằng nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi cứu cánh, nên bỏ quên mất đi nông nghiệp hiệu quả cao. Họ đầu tư dàn trải, xây hết nhà màng nhà kính nhưng xem xét lại về độ hiệu quả thì không cao, nên thất bại từ vấn đề ở đây.

Tôi kỳ vọng ngành nông nghiệp công nghệ cao nên đổi thành nông nghiệp hiệu quả cao. Khi đó, mọi đầu tư vào hệ thống tự động hóa sản xuất hay các đưa công nghệ vào nông nghiệp mới đem được giá trị đầu tư, đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế thì mới có thể phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông.

Khánh Linh

Tags: Ceo Nông Nghiệp Nông Nghiệp Thông Minh Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Startup Next Farm