Theo nhận định của SSI Research, sang năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Những diễn biến vừa qua cho thấy công tác kiểm soát hoạt động các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai.
Diễn biến lãi suất trong những ngày đầu năm 2020 phần nào cho thấy nhận định trên đang đúng. Sau Tết Nguyên đán 2020, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hầu như đều giữ nguyên ở hầu hết các kỳ hạn so với trước tết; thậm chí, một số ngân hàng còn giảm nhẹ lãi suất huy động. Điều này trái ngược với mọi năm, sau tết ngân hàng thường điều chỉnh tăng lãi suất để hút vốn chuẩn bị kế hoạch kinh doanh đầu năm.
Chẳng hạn, Techcombank vừa giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,4%/năm. Eximbank cũng điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7,6%/năm xuống còn 7,4%/năm. Kỳ hạn 36 tháng tại ngân hàng này giảm mạnh từ 8,4%/năm xuống còn 8%/năm.
Theo báo cáo hoạt động của các TCTD trong tuần đến 31/1/2020, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn của các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ổn định. Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất phổ biến 4,3-5,0%/năm; 5,3-7%/năm là mức lãi suất đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng...
Lãi suất đầu vào ổn định là điều kiện để các ngân hàng giữ lãi suất đầu ra. Thậm chí là một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp bất lợi trong kinh doanh do tác động của dịch nCoV. Mới đây, VPBank thông báo hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm đối với những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn do dịch bệnh này như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; Lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản… Trước đó, ABBank cũng cho biết, ngân hàng này dành nguồn vốn chi phí thấp trị giá 4.000 tỷ đồng cho khách hàng của mình.
Diễn biến lãi suất hiện tại theo đánh giá của giới chuyên môn là hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu, với những nước chịu tác động mạnh từ dịch nCoV, chắc chắn tăng trưởng kinh tế gặp khó. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trở lại bình thường, lãi suất có thể sẽ ổn định trở lại.
Có quan điểm tương đồng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tuy ngân hàng chịu sức ép từ nhiều phía nhưng năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Bởi tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay nhiều khả năng tăng trưởng chậm lại so với năm 2019; trước mắt là quý I/2020 tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thậm chí kéo dài sang II/2020 nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn.
Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020. Ngoài ra, việc NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng nên sức ép lên lãi suất cũng sẽ không lớn.
Một yếu tố nữa là tỷ giá đang được điều hành tương đối ổn định. Nhiều khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nên sức ép tỷ giá lên lãi suất trong năm 2020 là không nhiều. Có điểm đáng quan ngại là lạm phát, theo đánh giá năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút. Nhất là trong tháng 1 vừa qua, chỉ số CPI tăng 6,43% so với tháng 1/2019 cao nhất trong 7 năm trở lại đây, nhưng theo ông Thành, do dịch bệnh nCoV đang kéo giảm giá hàng hóa toàn cầu nên lạm phát năm nay không đáng quan ngại và sẽ nằm dưới ngưỡng 4%, kéo theo đó tác động của yếu tố lạm phát đến lãi suất cũng không phải là quá mạnh.
Nhận định về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, CTCK Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, có thể lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2020. Theo BVSC, tính đến nay, Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 ít hơn so với các nước trong khu vực. Hiện dư địa để Việt Nam cắt giảm tiếp lãi suất điều hành là khá nhiều nếu trong trường hợp kinh tế tăng trưởng thấp dưới mục tiêu. Mặc dù vậy, tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam là khá hạn chế. Ngoài ra, hai yếu tố là lộ trình kiểm soát rủi ro về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm dần và nâng cao năng lực tài chính theo chuẩn Basel II vẫn khiến mặt bằng lãi suất huy động khó giảm mạnh trong 2 năm tới.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, lãi suất nên duy trì ở mức hiện tại. Nhất là lãi suất huy động nên giữ mức tương đối hấp dẫn để khuyến khích người dân có thể tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Qua đó có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh đang có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn như chứng khoán, vàng…
Trước diễn biến phức tạp như hiện tại, giới chuyên môn nhận định, lãi suất tiếp tục là một ẩn số trong năm 2020. Tuy nhiên, kịch bản lãi suất giảm, hoặc duy trì ổn định được đánh giá nhiều khả năng xảy ra hơn là kịch bản lãi suất tăng. Chưa kể, tại buổi làm việc với các TCTD vào ngày 6/2/2020 về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN gặp khó khăn do dịch nCoV, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, thời gian tới, các ngân hàng không được tăng cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV.
Hà Thành