Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch bệnh
Theo NHNN, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid - 19) đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trước tình hình nay, NHNN yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid - 19. Qua đó, nhằm thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có dư nợ gốc hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 và đến ngày 31/3/2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này.
Cùng với đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ;
Các tổ chức tín dụng có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về: tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng phải báo cáo NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) kết quả thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo quy định đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào ngày 15/03/2020 và ngày 31/03/2020.
Các ngân hàng vào cuộc
Thực hiện giải pháp yêu cầu của NHNN, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã vào cuộc triển khai tích cực bằng các gói tín dụng lớn.
Ngân hàng SHB cho biết, đã tiến hành kiểm tra, rà soát từng khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch covid-19 và đang gặp khó khăn để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, SHB hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với khoản vay mới và điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu. Theo đó, khách hàng sẽ được giảm lãi suất lên tới 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay bằng VNĐ và 0,5%/năm đối với các khoản vay bằng USD. Bên cạnh đó, SHB đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khác như cơ cấu thời hạn trả nợ song vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi phí trả nợ trước hạn…
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, các chính sách, biện pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng này đang tích cực triển khai là hành động cụ thể hóa cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ và định hướng của Ngân hàng Nhà nước triển khai giải pháp chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19.
"Với nguồn vốn 3.000 tỷ đồng, các đơn vị kinh doanh của SHB đã sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh" – ông Lê cho biết.
BIDV đang triển khai gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của ngân hàng có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cụ thể, với gói tín dụng này, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất, đảm bảo không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ. Gói tín dụng được triển khai đến hết ngày 30/6/2020 hoặc đến khi hết quy mô gói.
Là một ngân hàng luôn tiên phong trong thực hiện các chủ trương của NHNN, đồng hành cùng doanh nghiệp, ngay từ khi phát sinh dịch bệnh COVID-19, Vietcombank đã có phân tích, rà soát, đánh giá dòng tiền đối với các khách hàng bị ảnh hưởng để có giải pháp hỗ trợ, gồm các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vận tải kho bãi, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày...
Theo đó, từ giữa tháng 2/2020 đến hết ngày 30/4/2020, Vietcombank giảm lãi suất VND 1-1,5%/năm và ngoại tệ 0,5-0,75%/năm, tùy theo kỳ hạn. Với các khoản vay mới, Ngân hàng cũng giảm 1%/năm lãi suất với VND và 0,5%/năm với USD. Vietcombank ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỉ đồng, dư nợ tín dụng của khoảng 300 khách hàng là tổ chức kinh doanh lớn, số tiền giảm lãi suất mà Vietcombank chia sẻ với doanh nghiệp ước 300 - 450 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Vietcombank: Nếu tính cả số tiền lãi được giảm mà khách hàng cá nhân đang vay, tổng số tiền hỗ trợ sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, Vietcombank không tính toán phần thiệt hại, giảm lãi là bao nhiêu mà điều quan trọng là Vietcombank có giải pháp, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vượt qua khó khăn".
Không dừng lại ở đó Vietcombank cũng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ và không tính lãi phạt khi khách hàng chưa có nguồn trả nợ do ảnh hưởng của Covid-19.
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, hàng loạt ngân hàng hác như Eximbank, Agribank, VPBank... cũng đã có giải pháp hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Eximbank dành 4.000 tỉ đồng cho các DN vừa và nhỏ vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm (cố định trong suốt thời hạn vay đối với một số kỳ hạn vay ngắn hạn)...
Có thể nói, trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, đã và đang ảnh hượng mạnh đến đời sống kinh tế xã hội thì các giải pháp của NHNN đưa ra sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường.
Thanh Trúc