Mỗi ngày VPBank giải quyết hàng nghìn hồ sơ giảm, giãn nợ

Mỗi ngày VPBank giải quyết hàng nghìn hồ sơ giảm, giãn nợ
Đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, quan hệ tín dụng lâu năm với VPBank thì chỉ sau 4 tiếng là hai bên đã thống nhất và hoàn thiện phương án hỗ trợ chi tiết.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo đó, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỷ đồng tương ứng với hơn 14.000 trường hợp và tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5%-3% mỗi trường hợp.

Rút ngắn thời gian giải ngân

Tại VPBank, ngay ở giai đoạn đầu dịch bệnh, ban lãnh đạo đã đưa ra phương án ứng phó toàn diện, bao gồm lên kịch bản đối phó ứng với các cấp độ khác nhau của diễn biến dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo hoạt động của ngân hàng không bị gián đoạn hay ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đưa ra các lộ trình cụ thể hỗ trợ khách hàng.

Lãnh đạo ngân hàng nhận định, gánh nặng trên vai mỗi khách hàng có khoản vay lúc này là rất lớn, vì vậy, toàn hệ thống VPBank đang nỗ lực từng giờ để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.

Bên cạnh việc đưa ra quy định nội bộ về giảm, giãn nợ để thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống, VPBank đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống phân loại, xử lý hỗ trợ tự động để có thể giải quyết được kịp thời lượng hồ sơ khổng lồ và tăng “phi mã” mỗi ngày.

Nếu như trong tháng Ba, thời gian trung bình để giải quyết một bộ hồ sơ hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể mất tới 4 ngày làm việc kể từ thời điểm hồ sơ đảm bảo đủ yêu cầu theo quy định thì nay VPBank đã rút ngắn xuống còn 1 ngày làm việc.

Thậm chí, đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, quan hệ tín dụng lâu năm với VPBank thì chỉ sau 4 tiếng là hai bên đã thống nhất và hoàn thiện phương án hỗ trợ chi tiết bao gồm cả việc giãn nợ và giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giải ngân nhanh chóng với lãi suất thấp cho khoản vay mới để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, đối với các khách hàng cá nhân có những khoản vay dưới 100 triệu đồng thì hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống đề nghị hỗ trợ trực tuyến của VPBank. Đây là hệ thống phê duyệt tự động, chỉ mất 1 giờ đồng hồ để được phê duyệt hỗ trợ, tính từ thời điểm khách hàng hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ và toàn bộ các hồ sơ đều có thể gửi trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ ngân hàng hoặc phải đến tận nơi.

Không chỉ tập trung xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID, VPBank còn tích cực hỗ trợ xử lý đối với các khách hàng đề nghị vay vốn mới, đơn giản hóa tối đa quy trình thủ tục, nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng, để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Tính đến ngày 4/5, đã có tổng cộng hơn 13.000 hồ sơ  giải ngân mới tương đương 18.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh để hỗ trợ các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hỗ trợ khách hàng cá nhân

Nhận thấy trong giai đoạn này, không chỉ các doanh nghiệp cần hỗ trợ mà các khách hàng cá nhân vay vốn ngân hàng cũng có nguy cơ rơi vào nợ xấu vì thu nhập của người dân sút giảm hoặc mất việc do dịch bệnh.

Chính vì lẽ đó, thời gian vừa qua VPBank cũng song song giải quyết các nhu cầu được giảm, giãn nợ của các khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh tiểu thương.

Tính đến ngày 4/5, với các phân khúc này, VPBank đã có gần 13.000 hồ sơ được xử lý với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh. Lượng hồ sơ chờ xử lý cũng tăng theo cấp số nhân mỗi ngày và được hệ thống giải quyết theo quy trình được cải tiến, đảm bảo hỗ trợ đến được với khách hàng sớm nhất.

Các khách hàng đã được giải quyết giảm, giãn nợ trong thời gian qua tại VPBank được xem xét dựa trên các yếu tố như khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch bệnh, thời gian đánh giá được tính từ cuối tháng Một đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch bệnh.

Bên cạnh việc giảm, giãn nợ, VPBank cũng thực hiện giữ nguyên nhóm nợ, không áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn với nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1 trong thời gian cơ cấu lại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo quy định. 

Ngoài các giải pháp tài chính hỗ trợ cụ thể cho từng phân khúc khách hàng, VPBank còn triển khai rất nhiều những hỗ trợ phi tài chính khác trong giai đoạn dịch bệnh này, điển hình như khóa đào tạo kinh doanh online miễn phí dành cho các tiểu thương vốn chỉ quen với việc kinh doanh theo mô hình chợ truyền thống. Việc này nhắm giúp họ thích ứng được với yêu cầu giãn cách xã hội và vẫn có doanh thu cầm cự trong giai đoạn này, xa hơn nữa là để họ có thêm một kênh tạo doanh thu lâu dài và tiệm cận với xu hướng tất yếu của xã hội.

“Nhận định tình hình dịch bệnh dù có kết quả bước đầu khả quan nhưng diễn biến thời gian tới còn phức tạp, VPBank đã có phương án cân đối nguồn lực trong thời gian ít nhất 6 tháng tới, đảm bảo tình hình kinh doanh của ngân hàng được an toàn, hiệu quả nhưng cũng có thể kịp thời hỗ trợ các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này,” đại diện VPBank chia sẻ./.

Hồng Hạnh

Tags: Vpbank Giãn Nợ Tín Dụng Gia Hạn Nợ Covid-19 Trả Nợ Dư Nợ Giảm Lãi Suất Lãi Suất Giải Ngân Hỗ Trợ Khách Hàng Gói Tín Dụng