Sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Trung Quốc và Iran, Bắc Kinh cho rằng Washington cần từ bỏ việc tùy tiện áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương nhằm giải quyết bất đồng với các nước khác, mà thay vào đó là tiến hành đối thoại và đàm phán ngoại giao.
“Quan điểm nguyên tắc của chính tôi rất rõ ràng. Chúng tôi phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và cái gọi là quyền lực nối dài”, RT dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo hôm 13/1.
Tuyên bố của ông Cảnh được đưa ra sau vụ việc mới đây Mỹ áp đặt vòng trừng phạt mới đối với hoạt động xuất khẩu kim loại của Iran cùng với 3 công ty Trung Quốc và hàng loạt quan chức cấp cao Iran.
“Chúng tôi tin rằng việc cố tình sử dụng hoặc đe dọa trừng phạt không thể giải quyết bất cứ vấn đề nào”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cảnh, Trung Quốc hối thúc Mỹ giải quyết bất đồng “thông qua đối thoại” và tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc thay vì những lời đe dọa và tối hậu thư. Bắc Kinh cho rằng, Washington cần có “những bước đi vững chắc” nhằm hạ nhiệt căng thẳng với Iran.
Vòng trừng phạt mới với Iran được Mỹ ban hành sau vài ngày quân đội Iran triển khai đợt tấn công bằng loạt tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq hôm 8/1 để trả thù cho cái chết của Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Cụ thể, Mỹ bất ngờ triển khai đợt không kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad hôm 3/1. Hậu quả, cuộc tấn công của Mỹ khiến Tướng Soleimani và phó Chỉ huy Lực lượng Huy động nhân dân Shia (PMU) tại Iraq là Tướng Abu Mahdi al-Muhandis cùng 10 người khác thiệt mạng.
Chia sẻ với Fox News hôm 13/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho hay các lệnh từng phạt của Mỹ là nhằm cắt giảm “95% lợi nhuận thu được từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran”. Thậm chí, ông Mnuchin tuyên bố Bắc Kinh có thể đối mặt với lệnh trừng phạt nếu như không dừng mua dầu của Iran.
Dù Bắc Kinh đã dần cắt giảm sản lượng mua dầu từ Tehran vào năm 2019, nhưng Trung Quốc hiện vẫn là nhà nhập khẩu dầu thô số 1 của Iran. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Trung Quốc cũng có thêm động thái đưa nguồn tài nguyên năng lượng của Iran trở thành một phần trong thỏa thuận “đối tác chiến lược” mà hai bên ký kết hồi năm ngoái. Thỏa thuận mà Trung Quốc và Iran ký kết là nhằm giúp tăng sản lượng khai thác tại mỏ dầu quy mô lớn Azadegan nằm gần biên giới Iraq.