Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy, GDP trong quý 4/2019 ước tính tăng 6,97% so với cùng kì năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2019 đạt 7,02%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng vẫn là hai khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ với sự tăng trưởng nổi bật là ngành chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện nước và xây dựng. Cùng với đó, ngành khai khoáng cũng đã có sự tăng trưởng nhẹ sau 3 năm liên tiếp sụt giảm.
Đáng chú ý, khu vực nông, lâm và ngư nghiệp trong năm 2019 đã gặp nhiều yếu tố bất lợi từ thời tiết và dịch tả lợn châu Phi bùng phát và sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu nhưng vẫn tăng trưởng ở mức 2,01% với sự tăng trưởng ấn tượng của ngành thủy sản trên 6%.
Trong năm 2019, khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn với sự tăng trưởng khá đồng đều ở mức trên 7% thuộc về các ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, bán buôn, bán lẻ và vận tải kho bãi. Tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước thấp, trong khi khu vực FDI và tư nhân tăng trưởng và tỷ lệ giải ngân cao.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến dòng vốn từ Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhưng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Lạm phát ở dưới ngưỡng 4% nhưng việc CPI leo dốc trong tháng 12 vượt qua ngưỡng 5% sẽ tiềm ẩn không ít lo ngại cho các quý trong năm 2020.
Cũng theo báo cáo của VEPR, tính hết năm 2019, chỉ số PMI đã đánh dấu chuỗi 49 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,8%.
Về tình hình thành lập và giải thể của các doanh nghiệp, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, tính cả năm 2019, cả nước có tới 138,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,2%. Tổng số vốn đăng ký và số lao động đăng kí tăng lần lượt là 17,1% và 13,3%. Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm, chỉ còn 72,4 nghìn doanh nghiệp. Tính cả năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 33,9% GDP), tăng 10,2% so với năm trước. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 9,9 tỷ USD trong năm 2019. Khu vực FDI xuất siêu 35,85 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 25,91 tỷ USD. Trong năm 2019 Mỹ trở thành thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam với 46,4 tỷ USD.
Chia sẻ tại tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019", PGS. TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, mặc dù kinh tế Việt Nam có nhiều ấn tượng với những điểm sáng trong năm 2019 và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá lạc quan hơn so với thế giới trong năm 2020, nhưng con số tăng trưởng 6,8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2020 là con số lạc quan, tham vọng và không dễ thực hiện.
Liên quan đến việc Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ông Thành cảnh báo: "Mỹ là đối tác rất tinh khôn và cứng rắn trong thương mại quốc tế, Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ". Ông lấy ví dụ việc thép bị đánh thuế đến hơn 400% trong năm 2019 vừa qua đặt ra các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam.
Trong năm vừa qua, Việt Nam trở thành 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Nhưng cùng với dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng, Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. Điều này yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện dự trữ ngoại hối nhưng không phải 1 chiều mà theo hướng có mua, có bán, không can thiệp liên tục trong 6/12 tháng. Đồng thời, không dùng công cụ tỷ giá để làm tăng ngoại thương, bởi nếu Việt Nam chủ ý phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu thì lập sẽ bị Mỹ xếp vào danh sách trên.
Minh Ngọc