Đến 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động, thì Hòa Phát sẽ là công ty thép lớn nhất Việt Nam chứ không phải Formusa.“Năm nay do đại dịch Covid-19, nên ĐHĐCĐ bị chậm lại, Hòa Phát quyết định ĐHĐCĐ chuyển vào ngày 25/6. Hội đồng quản trị sẽ trình Đại hội phương án kinh doanh với doanh thu dao động khoảng 85.000 - 95.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận dao động từ 9.000 - 10.000 tỷ đồng. Con số cụ thể, HĐQT sẽ làm việc để chốt phương án trình ĐHĐCĐ”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết tại cuộc gặp chuyên viên phân tích diễn ra vào chiều nay (15/5).
Cuộc gặp có sự tham gia cả 91 đại diện tổ chức đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia trực tuyến.
Về cổ tức, ông Long cho biết, dự kiến đề xuất trình ĐHĐCĐ cổ tức 2019 tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Tỷ lệ 5% bằng tiền mặt này là sự cố gắng lớn của Hòa Phát trong giai đoàn đầu tư, sau này khi hoàn giai đoạn đầu tư sẽ quay trở lại chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt.
Bình luận về việc xuất khẩu phôi sang Trung Quốc ông Long nói: “Đây là phép thử cạnh tranh rất lớn vì Trung Quốc là cường quốc thép. Xuất được sang Trung Quốc thì không còn gì để nói. Hòa Phát xuất phôi theo giá thế giới và có lời dù tỷ suất không bằng thép xây dựng. Tất nhiên, Hòa Phát sẽ đa dạng hóa thị trường chứ không bỏ trứng vào một giỏ”.
Đến 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động, thì Hòa Phát sẽ là công ty thép lớn nhất Việt Nam chứ không phải Formusa, với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm.
"Đến cuối năm 2020, dự nợ của Hòa Phát tăng lên khoảng 46.000 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn tăng xoay quanh 22.000 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn tăng thêm 3.000 tỷ đồng nhưng lượng tiền mặt sẽ tăng lên tương ứng. Và nợ ròng của Hòa Phát (tức dư nợ trừ tiền mặt) đến cuối năm cũng xoay quanh mức 35.000 tỷ đồng như thời điểm hiện nay", bà Phạm Kim Oanh, Giám đốc Tài chính Hòa Phát cho biết.
Ông Long chia sẻ, năm 2020, ngành thép là ngành ít bị ảnh hưởng vì Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư công, nên tăng trưởng của ngành thép sẽ là một con số dương. Nhưng thực tế như thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới.
Về tiến độ của sản xuất HRC, theo ông Long sẽ phụ thuộc vào việc các chuyên gia nước ngoài sang chuyển giao công nghệ hướng dẫn vận hành. Khó khăn hiện nay là các chuyên gia sang sẽ phải cách ly 14 ngày, nhưng khó khăn lớn nhất là phía nước ngoài một số nước chưa mở lại đường bay đi. Tuy nhiên, Hòa Phát cố gắng kết thúc chạy thử trong tháng 6 để đưa vào vận hành trong tháng 8. Dự kiến bắt đầu có sản phẩm từ tháng 9 và sản lượng cả năm khoảng 500.000 tấn HRC.
Dây chuyền sản xuất HRC là dây chuyền hoàn toàn mới khép kín từ đầu đến cuối và công nghệ sản xuất HRC được so sánh khó gấp 10 lần công nghệ sản xuất phôi thép xây dựng, theo ý kiến của nhà sản xuất nên kế hoạch sản lượng HRC là 500.000 tấn nhưng thực tế thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Đó là lý do vì sao lợi nhuận đặt giao động trong khoảng 9000 -10.000 tỷ đồng năm nay, là tính cả lợi nhuận của HRC.
Một điểm thuận lợi của Hòa Phát là giá than giảm khi than chiếm cơ cấu 35-40% giá thành, nhưng giá quặng lại đang tăng.
Vừa qua, Hòa Phát đã cử đoàn ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các mỏ quặng để gia tăng lợi nhuận, mở ra một mảng đầu tư mới chứ không phải vì yếu tố “an ninh lượng thực” bởi trữ lượng quặng trên thế giới rất lớn.
Về mảng bất động sản của Hòa Phát, theo ông Long chiếm tỷ trọng nhỏ, và khi khu Dung Quất hoàn thành thì bất động sản còn chiếm tỷ trọng nhỏ nữa. Tuy nhiên, Hòa Phát có khu đô thị tại Hưng Yên và các dự án khu công nghiệp, thì hết dự án này đến dự án khác.
Thu Hương