Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chủ động rà soát nguồn thu để quản lý hiệu quả
Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016-2020, việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ NSNN năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả giai đoạn. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu ngân sách; cơ cấu lại các khoản thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ thuế, tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách hành chính thuế, hải quan phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Giao chỉ tiêu thu NSNN cho các Cục thuế, Cục hải quan các tỉnh, thành phố, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.
Chủ động rà soát, xác định chính xác nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả. Kiến nghị với UBND các địa phương tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu NSNN.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
Trong năm 2020, ngành Tài chính sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế ngay từ đầu năm, tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) và lợi nhuận còn lại của năm 2019 và các quý trong năm 2020 để chủ động đôn đốc DN nộp sát với thực tế phát sinh của hoạt động kinh doanh, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng qui định của Luật Quản lý thuế.
Cùng với đó, tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế ngay từ đầu năm, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN.
Xây dựng và triển khai nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ rủi ro trong thu nộp thuế của người nộp thuế và giao kế hoạch cho các Cục Thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 19,5% số DN đang quản lý trong toàn ngành, tập trung thanh tra, kiểm tra các DN thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các DN hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, các DN được hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, DN có hoạt động liên kết, DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử, phát sinh thuế nhà thầu, các hoạt động chuyển nhượng vốn.... Tập trung phân tích, xác định dấu hiệu nghi vấn và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác kiểm tra, thanh tra những trường hợp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định của các dự án ưu đãi đầu tư, hàng hóa miễn thuế.
Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới: tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện như rượu ngoại, xăng dầu...; theo dõi, giám sát chặt chẽ các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan; đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế. Đẩy mạnh đấu tranh với hoạt động buôn lậu các loại hàng hóa khác như hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ma túy, vũ khí...
Chủ động rà soát, kiểm tra và phát hiện những vi phạm trong lĩnh vực phân loại hàng hóa, xác định trị giá hay xuất xứ của hàng hóa, từ đó thực hiện truy thu, ấn định thuế, góp phần tăng thu ngân sách. Tập trung phân tích, xác định dấu hiệu nghi vấn và phối hợp với các Cục nghiệp vụ khác tổ chức kiểm tra, thanh tra những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, trong đó tập trung vào các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các dự án ưu đãi đầu tư, hàng hóa miễn thuế.
Rà soát nợ thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính
Thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; Rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý nợ thuế để phù hợp với tình hình thực tiễn; rà soát các khoản nợ thuế phát sinh do ấn định thuế theo các quyết định kiểm tra sau thông quan, quyết định thanh tra. Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục thuế thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN ngay sau khi có Thông tư hướng dẫn...
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, chính sách hải quan, thủ tục hành chính ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền. Đăng tải kịp thời các hướng dẫn về nội dung sửa đổi trong các chính sách thuế mới trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách hành chính hệ thống thuế, hải quan, tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN.
Đồng thời, quán triệt chủ trương, nhắc nhở công chức chấp hành nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, việc trả lời vướng mắc về thủ tục, chính sách thuế, hải quan phải đảm bảo kịp thời, đúng hạn. Thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của ngành, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị của các cơ quan như kiểm toán, thanh tra...
Trong năm 2019, cơ quan Thuế ước thực hiện 96.243 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 109,7% kế hoạch năm 2019; bằng 100,3% so với cùng kỳ năm 2018; kiểm tra được 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế. Tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt 64.524,8 tỷ đồng, bằng 103,7% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, ngành Hải quan tiến hành 411 cuộc thanh tra, kiểm tra (169 cuộc thanh tra chuyên ngành và 242 cuộc kiểm tra nội bộ). Kiến nghị truy thu và xử phạt vi phạm hành chính hơn 251 tỷ đồng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018 và truy hoàn hơn 219,8 triệu đồng, đã nộp NSNN hơn 185,4 tỷ đồng.
Hoa Sơn