Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu dự báo tiếp tục gặp khó

Năm 2020, xuất khẩu hạt tiêu dự báo tiếp tục gặp khó
Giao dịch trầm lắng khiến xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2020 giảm mạnh cả lượng và giá trị. Tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá hạt tiêu. Giải pháp lâu dài, ngành hàng tỷ đô này cần đẩy mạnh chế biến, hướng tới sản phẩm hữu cơ.

Xuất khẩu giảm mạnh cả lượng và giá trị

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2020 đạt 14,6 nghìn tấn, trị giá 35,85 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 12/2019, so với tháng 1/2019 giảm 23,9% về lượng và giảm 36,8% về trị giá.

Tháng 1/2020, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường giảm so với tháng 1/2019, như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, xuất khẩu sang các thị trường tăng, như: Pakistan, Myanma, Ả rập Xê út.

Về giá hạt tiêu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 1/2020 đạt mức 2.443 USD/tấn, tăng 1,1% so với tháng 12/2019, nhưng giảm 17% so với tháng 1/2019. Trong 2 tuần đầu tháng 2/2020, tại Việt Nam, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm mạnh.

Trồng hạt tiêu hữu cơ tại Gia Lai

Cụ thể, trong 13 ngày đầu tháng 2/2020, giá hạt tiêu đen trong nước giảm so với tháng 1/2020. Ngày 14/2/2020, giá hạt tiêu đen giảm từ 6,2-7,7% so với ngày 31/1/2020, so với ngày 14/1/2020 giảm từ 6,3 - 8,3%. Giá hạt tiêu trắng ở mức 58.000 đồng/kg, giảm 4,9% so với cuối tháng 1/2020 và giảm mạnh so với mức 73.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam chịu tác động do phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa các cửa khẩu biên giới đất liền nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Lào Cai và Thanh Thủy (Hà Giang), chiếm lần lượt 55,9% và 31,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh tác động bởi dịch Covid-19, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho hay, nguồn cơn là bởi mất cân đối cung - cầu. Khi cung về diện tích, năng suất, sản lượng của cả Việt Nam và thế giới tăng cao trong những năm gần đây thì nhu cầu hồ tiêu chỉ tăng ở mức độ 2 - 2,5%/năm.

Sản lượng hồ tiêu hàng năm của Việt Nam đạt khoảng 170.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm đến gần 95%, tiêu thụ nội địa khoảng 5%. Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu bao gồm: Tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối,... Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng.

Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng hạt tiêu có 18 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp, tổng công suất khoảng 70.000 - 80.000 tấn/năm; trong đó có 14 nhà máy có công nghệ khá hiện đại, có sản phẩm chế biến đạt các tiêu chuẩn quốc tế: ESA, ASTA... Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,4%. Chế biến công nghiệp chiếm khoảng 65% sản lượng.

Về chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, hạt tiêu Việt Nam đã bị một số thị trường cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm nấm mốc, vi khuẩn Salmonella SPP.

Dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá

Giao dịch trầm lắng khiến giá hạt tiêu trong tháng 1/2020 giảm mạnh. Hiện hạt tiêu Việt Nam đã bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, do đó, giá có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức độ tác động trong 2 tháng đầu năm 2020 chưa mạnh bởi theo dõi số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Trung Quốc thường tăng mạnh từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu quốc tế (IPC), Việt Nam là nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất toàn cầu trong năm 2019. Trong đó, sản lượng hạt tiêu đen đạt khoảng 175.000 tấn, hạt tiêu trắng đạt 25.000 tấn. Nếu so với năm 2018, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam giảm nhẹ do diện tích trồng bị thu hẹp. Năm 2020, tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá hạt tiêu. Nguyên nhân do, năm 2020, diện tích trồng hạt tiêu từ năm 2016 - 2017 ở các nước sản xuất lớn đã đến lúc cho thu hoạch với sản lượng cao.

Dự báo, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, cuối năm 2020 giá hạt tiêu có thể phục hồi khi cung - cầu trở về mức cân bằng, nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ. Bên cạnh đó, chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần đẩy giá hạt tiêu.

Các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam bắt đầu tập trung vào cải thiện chất lượng hạt tiêu, giảm sử dụng hóa chất và phát triển sản xuất hạt tiêu hữu cơ. Trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid- 19 còn rất phức tạp, để hạn chế tác động từ dịch Covid- 19 tới ngành hạt tiêu, doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi hình thức giao nhận hàng, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường biển, hay đường sắt liên vận.

Để giải quyết vấn đề mất cân đối cung cầu trong sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, việc phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững, xây dựng nền tảng liên kết nâng cao chuỗi giá trị, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu gắn với vùng nguyên liệu là vấn đề cốt yếu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sản xuất theo quy trình hữu cơ, tạo sản phẩm sạch mới đủ sức cạnh tranh với tiêu Brazil và Ấn Độ... nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30 - 40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như: sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Nguyễn Hạnh

Tags: Hạt Tiêu Xuất Khẩu Năm 2020 Dư Cung