Netflix tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19: Bí mật trong tay CEO 60 tuổi chưa từng có văn phòng làm việc

Netflix tăng trưởng bất chấp dịch Covid-19: Bí mật trong tay CEO 60 tuổi chưa từng có văn phòng làm việc
Trong thời điểm Covid-19 đánh gục nhiều ông lớn, cái tên Netflix lại được nhắc tới như một điểm sáng hiếm hoi của thị trường.

Ngay từ những năm 2010, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix đã dần khẳng định vị thế đáng gờm trong ngành giải trí trực tuyến. Giống như một đoàn tàu cứ bon bon chạy mà không có vật cản, Netflix liên tục mở rộng và phát triển theo từng giai đoạn.

Từ cột mốc 50 triệu người dùng năm 2014, chỉ sau 3 năm, hãng có 100 triệu người dùng trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, mảng sản xuất phim ảnh của hãng cũng thu về thành tích không nhỏ khi nhận được hàng loạt đề cử danh giá, điển hình là cho các tác phẩm như House of Cards, Orange is the New Black,...

Trong thời điểm Covid-19 hạ gục nhiều ông lớn, cái tên Netflix lại được nhắc tới như một điểm sáng hiếm hoi của thị trường. Tính đến thời điểm ngày 21/4, giá cổ phiếu hãng tiếp tục đà tăng chưa từng có, lên mức 437 USD/đơn vị.

Trước đó, ông lớn truyền hình trực tuyến đã thiết lập kỷ lục mới khi chính thức vượt qua huyền thoại Walt Disney về vốn hóa thị trường. Lý giải về hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng lệnh giãn cách xã hội làm tăng nhu cầu giải trí trực tuyến của người dân. Ai cũng muốn ở nhà và giết thời gian bằng các bộ phim truyền hình dài tập - vốn từ lâu đã là "đặc sản" cộp mác thương hiệu Netflix.


Quá trình phát triển của Netflix gắn liền với CEO Reed Hastings. Triết lý lãnh đạo của ông từng được nhắc tới trong bài phát biểu tốt nghiệp của Trường kinh doanh Stanford. Và đây là những ý chính:

Đừng bao giờ xem thường đối thủ

Ý tưởng thành lập Netfix nảy ra trong đầu CEO Reed Hastings một cách tình cờ. Trong một lần quên đem trả đĩa xem phim, ông bị cửa hàng cho thuê phạt 40$. Cho rằng mình bị mất tiền vô lý, ông cùng cộng sự Marc Randolf quyết định làm một cuộc cách mạng thay đổi cách xem phim trên toàn thế giới.

Thời điểm Netflix ra đời, Blockbuster đang thống trị ngành dịch vụ cho thuê video với hệ thống 9.000 của hàng và 60.000 nhân viên. Giai đoạn 1998 - 2000, Netflix chấp nhận vị thế của một kẻ "chiếu dưới". Thậm chí, vào năm 2000, doanh nghiệp của Reed Hastings chỉ sinh lời 5 triệu USD, thua thiệt hoàn toàn với con số 4,5 tỷ USD mà Blockbuster kiếm được.

 CEO Netflix Reed Hastings


 
Cạnh tranh không nổi, Netflix hạ mình gõ cửa cầu xin trợ giúp và đề nghị được Blockbuster mua lại với giá 50 triệu USD. Họ nhận lại cái lắc đầu lạnh lùng vì lúc đó Blockbuster vẫn chưa coi Netflix là đối thủ đáng sợ, cho tới những năm 2004. Đây là một sai lầm chí mạng!

“Blockbuster có quy mô lớn hơn Netflix tới 15 lần và nếu họ 'để ý' tới chúng tôi sớm hơn hai năm, có lẽ họ đã giành chiến thắng”, CEO Hastings đúc kết.

Xây dựng văn hóa “tự do đi đôi với trách nhiệm”

CEO Reed Hastings luôn nhắc đi nhắc lại về phương châm lãnh đạo "đưa ra quyết định càng ít càng tốt". Dự án phim truyền hình House of Cards được thông qua chỉ sau một cuộc họp vỏn vẹn 30 phút. Việc đưa ra quyết định trở nên dễ dàng với Hastings, khi họ đã vạch sẵn "khung xương" và nền móng định hình cho bộ phim.

“Điều này tạo ra một niềm tin rằng nếu tôi muốn tạo sự khác biệt, tôi có thể làm được điều đó”, ông nói, “Tự do là một phần của văn hóa tại Netflix. Cái còn lại là trách nhiệm”.


Càng nhiều người càng tốt 

Lời khuyên của Hastings dành cho các CEO trẻ: Đừng ngại số đông! Khi bạn có nhiều nhân viên, đồng nghĩa với việc bạn đang sở hữu nhiều chất xám hơn.  Tại Netflix, Hastings nhận ra rằng công ty trở nên tốt hơn đáng kể khi có nhiều bộ óc suy nghĩ chung một vấn đề.

"1.000 người luôn nghĩ ra cách làm tốt hơn so với 100 người." - Hastings đúc kết.

Tạo môi trường tranh luận tự do

Theo quan điểm của Hastings, thời của những công ty chỉ phụ thuộc vào một vài nhân tài đã qua. Thay vào đó, CEO Netflix đề cao tính đoàn kết xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh dựa vào tập thể.

“Netflix tập trung vào việc đem lại sự thoải mái và tự do cho mỗi nhân viên trong việc đóng góp ý kiến. Họ có thể đưa ra những điều sai lầm, tất nhiên, nhưng bạn cũng sẽ nhận được rất nhiều ý tưởng tuyệt vời”, ông chia sẻ.

Hastings luôn muốn tạo các cuộc tranh luận lành mạnh, từ đó "vỡ" ra nhiều vấn đề chưa ai chạm tới. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi Netflix là một dịch vụ phục vụ người xem phim và các show truyền hình thực tế, việc đóng góp các ý kiến, ý tưởng từ mọi người trong công ty có thể làm nội dung trở nên phong phú hơn. 

"Chúng tôi muốn mọi người nói lên sự thật, vì phản đối trong âm thầm đồng nghĩa với việc không trung thành. Không nên để một quyết định được đưa ra chỉ là quyết định của riêng bạn. Chúng tôi tập trung vào việc càng có nhiều cuộc tranh luận càng tốt".


Mạnh dạn thay đổi và chấp nhận sai lầm

Chặng đường phát triển của Netflix không thiếu những nốt trầm. Năm 2009, hãng quyết định tách kinh doanh đặt hàng qua điện tín ra khỏi mảng kinh doanh trực tuyến và tính phí riêng, với kỳ vọng đẩy nhanh tỷ lệ tăng trưởng cho công ty.

Tuy nhiên, mọi thứ đi ngược lại dự đoán ban đầu. Khách hàng cũng như thị trường chứng khoán dường như ghét kế hoạch này. Điều đáng nói ở đây là thái độ đón nhận thất bại của CEO Hastings: "Sai lầm luôn đi cùng với sự thay đổi. Netflix cần chuyển mình nhiều hơn, và đồng nghĩa với việc tăng số lần bước hụt chân",  Hastings nói.

Khi nhìn lại, Hastings cũng thấy khoảng thời gian thay đổi đó thật khủng khiếp, mặc dù vậy ông vẫn tin rằng thay đổi là điều cần nghĩ đến.

Tags: Văn Hóa Ceo Netflix