Theo Công ty CP Chứng khoán SSI, xu hướng bảo hộ có khả năng sẽ còn lan rộng là một trong những thách thức lớn mà ngành thép phải đối mặt trong năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng chậm từ nửa sau năm 2019
Phân tích về diễn biến của ngành thép năm 2019, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, sau một năm 2018 lạc quan với mức tăng trưởng sản lượng thành phẩm đạt 10%, sản lượng tiêu thụ thép duy trì ổn định trong 4 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 11% so với cùng kỳ 2018. Sản lượng tiêu thụ trong nước 4 tháng đầu năm 2019 tăng 15% do hoạt động xây dựng từ các dự án của các năm trước và việc giá thép phục hồi khuyến khích các đại lý tích lũy hàng tồn kho.
Tuy nhiên, từ tháng 5 - 11/2019, nhu cầu giảm đáng kể với tổng sản lượng tiêu thụ không thay đổi so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 3,5%.
SSI cho biết, giá thép giảm do nhu cầu và xu hướng giá toàn cầu giảm, dẫn đến thua lỗ ở một số công ty sản xuất thép xây dựng. Cụ thể, sau khi phục hồi 6 - 7% trong 4 tháng đầu năm 2019, giá thép xây dựng đã điều chỉnh giảm 10% trong 7 tháng tiếp theo do nhu cầu và giá nguyên liệu thô giảm. Giá thép giảm đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép, khiến nhiều công ty phải cắt giảm sản lượng.
Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong năm vừa qua, VSA cho biết, năm 2019 đã khép lại với nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
“Tính đến 30/11/2019, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu thép thành phẩm 11 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 3,86 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018”, VSA phân tích. Về cơ cấu thị trường, VSA cho rằng, đáng kể nhất là sự thu hẹp tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Nguyên nhân của khó khăn này được VSA cũng như SSI chỉ ra là do sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước và thép nhập khẩu từ nước ngoài; việc siết chặt tín dụng cho vay đối với thị trường bất động sản trong nước; các công trình xây dựng giãn tiến độ chậm…
Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn
Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2020, xuất phát từ một số nguyên nhân như dư thừa công suất ngày càng lớn ngay trong nội địa; ảnh hưởng của thương mại quốc tế cùng chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng không chỉ ở thị trường Hoa Kỳ mà còn ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này tại các nước trong khu vực Đông Nam Á dẫn tới khối lượng sản xuất thép trong khu vực tiếp tục gia tăng… “Những yếu tố này sẽ khiến thị trường của ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn hơn”, ông Nguyên nhận xét.
Lãnh đạo VSA dự báo, năm 2020, giá thép xây dựng không có dấu hiệu cải thiện tăng, thậm chí duy trì ở mức thấp do dư thừa quá lớn và cầu chưa gia tăng.
Trong khi đó, theo SSI, sản lượng tiêu thụ thép trong năm 2020 khó có thể phục hồi mạnh mẽ. Ước tính tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành tiếp tục ở mức thấp từ 5 - 7% trong năm 2020 do sự trì trệ ở thị trường bất động sản cùng với đầu tư công chậm.
Bên cạnh đó, năm 2020, ngành thép gia tăng sức ép cạnh tranh do tổng công suất thép xây dựng ước tính tăng 15%, đến từ Khu liên hợp thép Dung Quất của Hòa Phát và Nhà máy Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn với công suất lần lượt là 2 triệu tấn và 500 nghìn tấn. Tuy nhiên, một phần của việc gia tăng công suất bù đắp cho việc đóng cửa một số dây chuyền sản xuất, ví dụ như từ Posco SS ở miền Nam với công suất 500 nghìn tấn/năm.
Trước nhận định đó, Lãnh đạo VSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành thép cần phải đặc biệt chú ý đến những diễn biến thị trường và có chính sách bán hàng phù hợp. “Để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp thép cần làm tốt công tác dự báo, đưa ra những chính sách phù hợp nhằm ứng phó linh hoạt với những diễn biến khó lường của thị trường”, ông Nguyên khuyến nghị.
Trung Hiếu