Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định 146/QĐ-BGTVT dừng Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Grab, Go-Viet, FastGo…) để thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
Nghị định 10 sẽ tạo ra thị trường taxi cạnh tranh lành mạnh?
Như vậy, với Quyết định 146, dịch vụ xe công nghệ đã kết thúc giai đoạn thí điểm, chính thức được “cởi trói” mở rộng ra nhiều tỉnh, thành và được Bộ Giao thông- Vận tải quản lý theo cơ chế hoạt động cụ thể theo Nghị định 10/2020, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/4/2020, thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Quyết định số 24/QĐ-BGTVT.
Trò chuyện với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây.
“Nghị định 10/2020 ra đời và chính thức có hiệu lực sẽ phù hợp với nhu cầu giao thông, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Từ đó sẽ tạo ra một thị trường taxi phát triển lành mạnh, bình đẳng. Nhiều người khẳng định quy định dán tem lên kính xe công nghệ vẫn là một tư duy cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu nhưng cá nhân tôi cho rằng quy định này phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Đây là cách nhận biết giữa xe tư nhân với xe công nghệ để các cơ quan chức năng thuận tiện trong công tác quản lý”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Ông Hiếu cũng cho rằng, vào thời điểm này, sự ra đời của Nghị định 10 được xem là một bước tiến trong tư duy của người làm chính sách khi họ dám chấp nhận cái mới.
Trước những ghi ngại về việc Nghị định 10 vẫn chưa thật sự cởi trói cho kinh tế chia sẻ, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng vụ Vận tải Bộ Giao thông Vận Tải khẳng định, việc dừng Kế hoạch thí điểm taxi công nghệ từ ngày 1/4/2020 là để thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Do đó, việc này không ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường nhưng sẽ cần có một số điều chỉnh để tuân thủ theo quy định mới.
“Việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn, giúp loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm. Ngoài ra còn giúp doanh nghiệp “rộng cửa” hoạt động hơn và họ “không cần lo lắng”, ông Ngọc cho hay.
Nhưng cũng cần tính toán lại
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Mạnh Thức cho biết: “Lượng phương tiện mới gia tăng, chủ yếu là dòng xe phân khúc giá rẻ, với giá thành khoảng từ 300 đến 600 triệu là phổ biến. Trên mặt đường phố tại các đô thị lớn hiện nay hầu như cũng là xe chạy taxi công nghệ, vì vậy rất dễ nhận biết được. Trong khi đó diện tích mặt đường gia tăng không đáng kể so với sự phát triển trên, dẫn tới tình trạng kẹt xe là đều có thể hình dung.
Thêm vào đó, nếu tình trạng người dân tiếp tục đầu tư xe để tham gia vào lĩnh vực này thì hậu quả chưa rõ sẽ như thế nào. Nếu lượng khách không như kỳ vọng, không có lợi nhuận đủ để duy trì hoạt động kinh doanh thì sẽ giải quyết lượng phương tiện này như thế nào? Số lao động tham gia trong lĩnh vực này sẽ đi đâu, về đâu, làm gì?...
“Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc dừng thí điểm loại hình này là hợp lý. Từ đó, để xem xét, đánh giá lại tác động của loại hình taxi này, để có kế hoạch triển khai tốt hơn, phù hợp hơn với thực tế của Việt Nam”, ông Thức cho biết.
Cũng theo ông Hùng, chúng ta nên vừa phát triển hài hòa taxi công nghệ, vừa đảm bảo an ninh, an toàn trên lĩnh vực giao thông cũng như tạo cơ hội bình đẳng cho các loại taxi khác cùng phát triển là hợp lý trong thời điểm này.
Huyền Trang