Thực phẩm tăng giá đang là nỗi lo của người tiêu dùng trên khắp châu Âu, trong bối cảnh người nông dân phải đối mặt với những tác động dây chuyền của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nguồn cung bị gián đoạn.
Tại Đức, giá thực phẩm tươi sống trong tháng Tư vừa qua đã tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá rau củ cũng tăng gần 30%, chủ yếu do các loại rau củ nhập khẩu của Pháp và Tây Ban Nha tăng giá do tác động của lệnh phong tỏa khiến những nước này không tìm được đủ người thu hoạch.
Tại Pháp, nhiều loại trái cây và rau củ cũng trở nên đắt đỏ hơn, với mức tăng trung bình 9%, kể từ khi nước này bắt đầu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội vào giữa tháng Ba. Còn tại Ba Lan, giá một số loại trái cây như táo cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan là những nguyên nhân đẩy giá thực phẩm lên cao, chưa kể đến sự thay đổi về nhu cầu tiêu thụ.
Tại Italy, giá cam và chanh đã tăng đột biến khi người tiêu dùng đổ xô đi mua các loại quả giàu vitamin C này với mong muốn tăng cường hệ miễn dịch phòng chống COVID-19. Giá chanh và kiwi ở Hy Lạp cũng tăng cao hơn so với trước thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Ngoài ra, do các nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa do dịch COVID-19, người dân châu Âu nấu ăn tại nhà nhiều hơn, khiến nhu cầu mua thực phẩm về tự chế biến tăng cao.
Theo Liên đoàn nông nghiệp Coldiretti của Italy, các siêu thị ở nước này đã ghi nhận doanh thu từ mặt hàng rau củ quả tăng cao đáng kể trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha vốn được coi là "vườn rau của châu Âu," Bộ Nông nghiệp nước này cho biết chi phí sản xuất gia tăng chỉ tác động đôi chút tới giá thực phẩm ở giai đoạn mới áp dụng phong tỏa. Đến nay, giá thực phẩm ở Tây Ban Nha đã gần trở lại mức cũ.
Trước tình trạng giá thực phẩm leo thang, nhiều người dân ở nhiều nước châu Âu cũng đã lựa chọn tự trồng một số loại rau củ tại nhà./.
Phan An (TTXVN/Vietnam+)