Thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được mệnh danh là nơi trồng lá dong lớn nhất của tỉnh này. Từ ngày đầu tháng Chạp tới ngày cận Tết được coi là “thời điểm vàng” khi làng lá dong bắt đầu bước vào vụ thu hoạch chính.
Người dân cho biết nghề trồng dong hình thành ở địa phương lâu năm với diện tích hàng chục ha. Những khu vực đất ven nhà, dọc bờ suối, đất hoang hoặc nơi khó phát triển các loại cây hoa màu, đều được người dân phủ xanh bằng cây dong. Toàn thôn có 125 hộ trồng, hộ trồng ít nhất là 300 m2, hộ nhiều nhất là hơn 1.000 m2.
Bà Nguyễn Thị Vân (57 tuổi, thôn Vĩnh Phúc) cho biết gia đình tận dụng toàn bộ diện tích vườn khoảng gần 1.000 m2 để trồng dong. “Năm nay thời tiết thuận lợi nên lá dong đẹp, ít sâu bệnh. Giá bán dao động 50.000-60.000 đồng/100 lá dong. Thương lái đã đặt hàng từ trước nên phải cắt sớm, phân loại để gửi cho họ”, bà Vân nói.
Cây dong rất dễ trồng, ít phải chăm bón. Lá thường được dùng để gói bánh chưng, bánh tét, bánh nếp, bánh tẻ. Theo kinh nghiệm dân gian, lá dong non còn được dùng để làm thuốc giải độc, chữa say rượu, rắn cắn hay chứng rối loạn tiêu hóa.
Những cây dong cao được người dân chặt ngang thân để tiện di chuyển ra khỏi nơi trồng.
Lá sau thu hoạch được phân loại theo từng bỏ 100 lá. Tùy theo từng loại có phiến lá to, đẹp mà có giá bán khác nhau.
Vài ngày nay, nhóm công nhân của khách sạn Công đoàn Thiên Cầm ở huyện Cẩm Xuyên tự đến các vườn lá dong ở xã Quang Vĩnh để thu mua lá về chuẩn bị gói bánh chưng. Họ mua từng vườn rồi tự cắt, phân loại.
"Lá dong ở đây to, phiến lá đẹp, gói bánh lại rất dễ, màu bánh xanh đẹp nên năm nào công đoàn cũng đều huy động anh em tới thu mua cho bà con để về đùm bánh dịp Tết. Mấy ngày nay, chúng tôi đã thu mua được khoảng 8.000 lá", ông Hà Văn Nhân nói.
Lá khi được phân từng bó nhỏ sẽ được dùng nuộc lạt hoặc dây mềm để không làm rách, hư lá.
Dong được bán quanh năm nhưng tất bật, rộ nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán, mỗi vụ người dân thu từ 10 đến 20 triệu đồng.
Phạm Trường